(SGGPO).- Với tỷ lệ tán thành 84,58% tổng số ĐBQH, Quốc hội vừa thông qua dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình đã báo cáo về các vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh sửa trong dự thảo Luật.
Theo đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và chỉnh lý nội dung các Điều quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Mục 2 Chương VI dự thảo Luật, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời vẫn đảm bảo các quy định của luật pháp Việt Nam.
Với tỷ lệ tán thành 84,58% tổng số ĐBQH, Quốc hội vừa thông qua dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp UBND cấp xã từ chối công nhận kết quả bầu, cử người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng tại Điều 11. Có đại biểu đề nghị điều chỉnh khoản 4 Điều 11 vì dễ gây hiểu nhầm là nhà thờ dòng họ không cần có người đại diện.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Điều 11 dự thảo Luật đã bổ sung căn cứ để UBND cấp xã công nhận kết quả bầu, cử người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, bảo đảm chặt chẽ khi thực hiện. Theo đó, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng ngoài việc được cộng đồng dân cư bầu, cử còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 11. Khoản 5 Điều này (khoản 4 dự thảo cũ) cũng được điều chỉnh theo hướng quy định nhà thờ dòng họ vẫn có người đại diện hoặc ban quản lý nhưng việc bầu, cử người đại diện, thành lập ban quản lý là công việc nội bộ của mỗi dòng họ nên không áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 11.
Về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo (Chương IV), tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, điểm b khoản 1 Điều 16 đã quy định rõ hơn về người đại diện của nhóm người đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung thống nhất với quy định về người đại diện của các tổ chức có hoạt động tôn giáo. Những nội dung khác đều đã được thể hiện, làm rõ trong phần giải thích từ ngữ (Điều 2) và phần thủ tục hành chính (Điều 17), do vậy UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo Luật.
Về hình thức thủ tục hành chính áp dụng, UBTVQH cho rằng việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là một thủ tục cần thiết để có cơ sở pháp lý cho những người theo tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo tập trung một cách hợp pháp, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn sinh hoạt, hoạt động tôn giáo.
ANH PHƯƠNG