(SGGPO).- Cuối phiên làm việc sáng nay, 14-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, với tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 596.882 tỷ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Chỉ có 392/496 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết toàn văn Nghị quyết (vắng 104 đại biểu). Kết quả, có 391 đại biểu đồng ý và 1 đại biểu không tán thành.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đọc báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Theo Báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu ý kiến ĐBQH cho rằng chi đầu tư phát triển, nhất là chi xây dựng cơ bản và chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí gây lãng phí. UBTVQH đã đề xuất trình Quốc hội xin rút gọn chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2016-2020. Chủ trương này đã được Quốc hội phê chuẩn, thể hiện tinh thần thu gọn đầu mối, tránh trùng lắp, tập trung nguồn lực cho dự án cụ thể, lồng ghép nguồn vốn, hạn chế tối đa việc bố trí vốn dàn trải.
Đồng thời, số lượng chương trình mục tiêu cũng đã được cắt giảm (từ 63 chương trình xuống còn 21 chương trình) để đảm bảo nguồn vốn tập trung hỗ trợ hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách của từng địa phương.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương. Ảnh Lã Anh
Về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), UBTVQH thừa nhận qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy vi phạm trong lĩnh vực XDCB còn nhiều và đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính và pháp luật có liên quan, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí theo hướng tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, xử lý nợ XDCB, dự án hợp tác công tư (PPP), thu hồi vốn ứng trước và còn dư vốn mới bố trí khởi công dự án mới.
Đối với đề nghị cho phép ứng trước vốn đầu tư trung hạn, hiện nay Quốc hội chưa thông qua kế hoạch đầu tư trung hạn, vì vậy, để có cơ sở thực hiện ứng trước, Chính phủ sẽ xem xét sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016).
Tuy nhiên, trong phương án phân bổ ngân sách Trung ương chú trọng ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng, an ninh, nâng mức tiền ăn cho cán bộ chiến sĩ từ 45.000 đồng lên 47.000 đồng/ngày, đảm bảo xăng dầu và các trang thiết bị thiết yếu, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
ANH PHƯƠNG