Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Ghi nhận những thành quả to lớn của nền kinh tế trong năm 2010, nhưng các đại biểu cũng tập trung phân tích những bất ổn và hiến kế những giải pháp nhằm phát triển bền vững.
Cơ bản đạt mục tiêu chung
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn và thách thức, năm 2010 về cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu chung. Tổng thể vĩ mô nói chung ổn định, kinh tế phục hồi nhanh, tăng cao hơn kế hoạch. “Kết quả mặt tốt là cơ bản, xuyên suốt mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhận định khi phát biểu tổng kết 2 ngày thảo luận của QH.
Tuy nhiên, một số ĐBQH cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao. Bên cạnh đó, theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), nhập siêu và bội chi ngân sách là 2 nguyên nhân trực tiếp gây bất ổn vĩ mô không chỉ cho năm 2010 mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới: “Dường như tất cả tăng trưởng của năm 2009 - 2010 dựa trên tăng tín dụng và tăng đầu tư công. Khi tăng đầu tư, tăng tín dụng chắc chắn sẽ tăng nhập khẩu và tăng nhập siêu. Đây là gốc của vấn đề cần mổ xẻ để có giải pháp cho năm 2011”.
Nhiều ĐB đồng tình quan điểm của Chính phủ năm 2011 cần tập trung ổn định vĩ mô. ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, năm 2011, GDP khoảng 7% là phù hợp, chỉ số giá tiêu dùng không quá 7% để không ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Bội chi ngân sách năm 2011 cố gắng dưới 5% GDP để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, cố gắng giảm nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, từng bước cân bằng xuất, nhập khẩu.
ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) bức xúc bởi sự chậm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, là điều rất đáng báo động cho lộ trình bước đi 10 năm còn lại: “Công nghiệp hóa phải đi liền với phát triển điện năng mà thủy điện, nhiệt điện lấy từ than gần như đã sắp hết nguồn phát triển. Điện nguyên tử phải chờ đến năm 2020 mới có thêm vài phần trăm bổ sung. Chính phủ phải xem lại vấn đề thu hút đầu tư, phát triển các nhà máy, xí nghiệp tốn kém lớn năng lượng, nhưng giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu”.
Tăng cường quản lý vốn DNNN
Tại phiên thảo luận hôm qua, vụ việc của Vinashin vẫn tiếp tục được các ĐBQH quan tâm. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, ngoài các vấn đề liên quan đến việc đầu tư kém hiệu quả, nợ nần, lỗ hổng về cơ chế còn có nguyên nhân lớn là vấn đề sử dụng và bố trí con người.
Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), việc để quá lâu một cá nhân vừa là chủ tịch HĐQT, vừa là tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy của tập đoàn là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin nặng nề hơn.
Một số ĐBQH đề nghị Chính phủ nên có một báo cáo phân tích rõ các vấn đề xảy ra ở Vinashin. Theo các báo cáo hiện nay, tổng tài sản có của Vinashin khoảng 103.000 tỷ đồng, tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán khoảng 86.000 tỷ đồng. “Như vậy nếu đứng về mặt kinh tế cân đối của Vinashin là vẫn còn, vốn của chủ sở hữu vẫn còn. Vấn đề ở đây là hiệu quả vốn đầu tư của vốn vay đối với Vinashin như thế nào, chứ không phải Vinashin đã phá sản” - ĐB Nguyễn Đức Kiên phân tích. Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Đức Kiên “tha thiết đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản về quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Các ĐBQH và dư luận xã hội yêu cầu việc cống hiến đóng góp, cũng như khuyết điểm sai lầm cần được xác định rõ đâu là của tập thể, đâu là của cá nhân. Không nên nói, do cơ chế pháp luật, tập thể một cách chung chung. Liên quan đến vụ việc của Vinashin, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, đã bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang tham gia vụ việc theo chức năng, quyền hạn của mình. Việc thành lập hay không thành lập ủy ban lâm thời của QH điều tra về vụ án này cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau trong ĐBQH; phải được xem xét kỹ trên cơ sở quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo QH trong một phiên họp khác tại kỳ họp lần này. |
Phan Thảo – Bảo Minh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Nhiều bài học rút ra từ vụ Vinashin
Trong phiên thảo luận hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đăng đàn giải đáp các băn khoăn của ĐBQH về quy định hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Riêng về vụ việc của Vinashin, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006, đến đầu năm 2007 Bộ Tài chính đã lập tổ thanh tra. Từ 2007 đến nay đã có 4 cuộc kiểm tra (mỗi năm một lần).
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng giải thích, ngay từ năm 2008, Thủ tướng đã có chỉ đạo đối với hoạt động của tập đoàn này và đã có những can thiệp kịp thời, nhưng đến năm nay phải chấp nhận “tái cơ cấu toàn diện” Vinashin. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, có nhiều bài học cần rút ra từ vụ Vinashin. “Khi phân cấp, phân công và giao quyền phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại diện các chủ sở hữu cần phải làm rõ khi có vấn đề được phát hiện. Thực tế, chỉ qua thanh tra, kiểm tra thì mới phát hiện sai phạm, mà lúc đó thì đã muộn. Ví dụ như việc mua tàu, khi trình lên Thủ tướng, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không được mua mà phải đóng, nhưng Vinashin vẫn mua tàu”. Cho rằng tới đây phải hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý các tập đoàn, ông Ninh khẳng định phải phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp: “Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phải có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm tra”.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng bác bỏ ý kiến nói hiện nay Vinashin vay nợ tới 86.000 tỷ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất: “Số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ đồng, nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỷ, như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án. Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này”.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Càng cao thì trách nhiệm càng cao Chúng ta đã phân tích và phê phán mạnh mẽ về sự cố Tập đoàn Vinashin. Chúng ta đã thẳng thắn phê bình Thủ tướng và Chính phủ nhưng nếu như chúng ta tuân thủ quyền nguyên tắc “càng cao thì trách nhiệm càng cao” thì sự tự phê phán của Quốc hội mà một số vị đại biểu đã nêu lên vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta trong việc này. Bởi lẽ Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất thì trách nhiệm cũng phải cao nhất, như tôi đã phát biểu khi đóng góp ý kiến cho văn kiện tại Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đã là người lãnh đạo toàn diện thì vinh quang và trách nhiệm cũng phải toàn diện. Cuối cùng, nếu đặt lợi ích của dân tộc lên cao trên hết thì mọi khó khăn khắc nghiệt đều có thể vượt qua cho dù mọi sự so sánh có thể là khập khiễng. Từ bài học kéo pháo của Điện Biên Phủ năm xưa vẫn có thể tìm thấy sự đồng thuận, đi đến những quyết định dũng cảm và sáng suốt. |
Ph.Thảo - M.Giang
Bộ trưởng Bộ TN-MT nói về dự án bauxite: Lắng nghe các ý kiến nhiều chiều
Gần đây, sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, một số cử tri và một số nhà khoa học đã có ý kiến cần xem xét kỹ lại vấn đề về môi trường của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Ngày 2-11, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã đăng đàn nói về những quan ngại hiện nay của dư luận về dự án này.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, báo cáo đánh giá tác động môi trường do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập, Bộ TN-MT chủ trì tổ chức Hội đồng thẩm định đã được làm rất cụ thể, khoa học, bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường, ở cả 4 khu vực bao gồm: khu khai thác mỏ; tuyển quặng; hoạt động của nhà máy; chất thải (khu bùn đỏ).
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định. Hội đồng thẩm định được lập gồm 21 người (nhiều gấp 3 lần so với các hội đồng thẩm định khác) với nhiều nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư và các tiến sĩ ở nhiều viện nghiên cứu lớn. Ngoài ra, do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có mô hình về nhà máy bauxite nên Bộ TN-MT đã tổ chức hội đồng khoa học đi 3 nước để nghiên cứu (Australia, Trung Quốc, Brazil) nhằm lấy các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ tiêu của các khu vực khai thác, từ khâu khai thác đến chế biến, xử lý bùn đỏ của các nước để về thẩm định báo cáo của Việt Nam. Bộ cũng đã thành lập một tổ tư vấn khoa học gồm nhiều nhà khoa học có uy tín.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng thừa nhận lo lắng của dư luận: Vấn đề là TKV có thực hiện đúng theo những điều mà trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? “Trước đây cứ để thực hiện sau đó đi kiểm tra. Lần này Bộ TN-MT đã quyết định thành lập một tổ giám sát cho đến khi nghiệm thu xong tất cả công trình này. Nếu bảo đảm điều kiện môi trường thì lúc đó mới cho vào khai thác, điều kiện rất nghiêm ngặt. Hiện nay tổ giám sát đã thực hiện 3 cuộc giám sát, ghi sổ nhật ký hàng ngày của đơn vị thi công”, Bộ trưởng trấn an.
Ông cũng cho hay, trước sự cố bùn đỏ ở Hungary và sự lo ngại đặc biệt của dư luận, Bộ TN-MT cũng sẽ thành lập đoàn công tác đi Hungary để xem xét tất cả những vấn đề liên quan. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của toàn xã hội, bộ sẽ tiếp tục rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường để hoàn thiện. Bộ TN-MT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến nhiều chiều liên quan đến dự án đặc biệt quan trọng này.
Lâm Nguyên