Trong tuần này, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh, Trung Quốc, để tham dự hội nghị thường niên lần thứ 6 về “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung” vào ngày 9-7 được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Các mâu thuẫn liên quan đến tin tặc Trung Quốc, căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông là những vấn đề có trong nội dung hội nghị.
Chuyện gián điệp, tỷ giá
Trong hai ngày 9 và 10-7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính nước này Jacob J.Lew (trong vai trò là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama) sẽ tham dự cuộc đối thoại trên do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị chủ trì. Tham gia cuộc đối thoại này còn có các thành viên phái đoàn Mỹ và đối tác phía Trung Quốc. Trước truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ sẽ lật lại vụ Bộ Tư pháp nước này truy tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc làm gián điệp mạng cuối tháng 5 vừa qua. Mỹ đã cáo buộc những nhân vật trên do thám thông tin và đánh cắp dữ liệu của các cơ quan Mỹ để phục vụ các tập đoàn nhà nước Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ có những hành động tương tự. Đến Bắc Kinh lần này, Ngoại trưởng John Kerry cũng sẽ đề cập thẳng vấn đề trên với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Một trong những vướng mắc lớn của Trung Quốc và Mỹ dự kiến được nêu ra trong đối thoại lần này là vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT). Cuối tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh lộ trình tự do hóa đồng NDT. Trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, Bộ trưởng Lew nhấn mạnh Bắc Kinh cần nhanh chóng hướng tới hệ thống tỷ giá dựa theo sự vận hành của thị trường. Theo ông Lew, tỷ giá đồng NDT so với đồng USD hiện nay là quá thấp, tỷ giá này cần được thả nổi phù hợp với diễn biến trên thị trường nhằm thu hẹp chênh lệch thương mại đang gây thiệt hại cho các bạn hàng của Trung Quốc.
Dự kiến, ngày 8-7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns sẽ có mặt ở Bắc Kinh để cùng người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đồng chủ trì “Đối thoại an ninh chiến lược Mỹ - Trung” lần thứ 4. Cùng ngày, ông William Burns cũng sẽ dự hội nghị Tham vấn cấp cao Mỹ-Trung về Trao đổi nhân lực (CPE) lần thứ 5 với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông. CPE là diễn đàn thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ - Trung trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ, thể thao và vấn đề về nữ giới.
An ninh biển được đề cập
Mối quan hệ giữa Mỹ - Trung thời gian gần đây ít nhiều bị ảnh hưởng sau những bất đồng của giới chức hai nước liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 7-7, trả lời phỏng vấn tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định các bên có liên quan nên đưa ra những khẩu hiệu cẩn trọng đối với tranh chấp ở vùng biển Hoa Đông. Ông Daniel Russel cho rằng, việc áp dụng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản đối với vấn đề ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) không mang tính chất đe dọa mà chỉ là cơ sở chính trị và ngoại giao để Nhật Bản và Trung Quốc tiến đến đàm phán. Ông Russel nhấn mạnh Mỹ ủng hộ đề xuất kêu gọi đối thoại từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo ông Daniel Russel, “Mỹ mong muốn là nhân tố tích cực thúc đẩy vai trò của Nhật Bản trong nỗ lực ổn định khu vực. Hiện quan hệ Mỹ - Nhật đang rất tốt đẹp”. Đề cập đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Daniel Russel cho rằng đây không phải là một hành động thiện chí mà nó đi ngược lại luật pháp và những quy định của quốc tế.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)