Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc được trang bị đèn nhấp nháy, loa và vòi rồng phun nước. Sự xuất hiện đông đảo của các tàu này tại biển Đông đã khiến nhiều nước quan ngại. Bloomberg ngày 25-10 cho rằng, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang trở thành “đội tiên phong” trong việc hiện thực hóa đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông.
Tràn ngập trên biển
Theo Bloomberg, hạm đội “tàu trắng” (chỉ lực lượng bảo vệ bờ biển) hiện diện thường xuyên trong các vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, đối đầu với tất cả các tàu, kể cả tàu cá và các tàu bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác. Bloomberg cho rằng bằng cách không triển khai hải quân, Trung Quốc tránh được khả năng bị quốc tế lên án.
Tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc, nỗi ám ảnh của ngư dân các nước trong khu vực
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ dùng hải quân hay không khi Mỹ triển khai tàu chiến trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông. Nếu có, căng thẳng trong khu vực sẽ càng tăng cao. Bloomberg dẫn lời ông Susan Shirk, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, cho rằng “ban đầu sẽ là bảo vệ bờ biển, nhưng tôi lo lắng về khả năng leo thang”. Ông Shirk hiện là Chủ tịch Chương trình Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California.
Còn theo Lyle Morris, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật ngày càng quyết đoán hơn. Ông Morris là cộng sự dự án của Tập đoàn Rand, Mỹ - người từng đến Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2015 để nghiên cứu các lực lượng bảo vệ bờ biển.
Theo các nhà nghiên cứu, Trung Quốc trở thành nước có “hạm đội tàu trắng” lớn nhất ở châu Á nhằm kiểm soát biển Đông và cả biển Hoa Đông. Bloomberg nhắc lại việc Trung Quốc dùng bảo vệ bờ biển bảo vệ giàn khoan HD-981 thăm dò trái phép tại vùng biển Việt Nam tháng 5-2014, trong đó có việc sử dụng vòi rồng tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Trong năm 2012, Trung Quốc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để chiếm bãi cạn Scarborough Shoal (Hoàng Nham) từ Philippines.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane tháng 7, Bắc Kinh rõ ràng đã và đang chuyển đổi nhiều tàu hải quân thành tàu bảo vệ bờ biển. Tạp chí này cho đăng ảnh 2 tàu chiến Trung Quốc sơn trắng thành tàu bảo vệ bờ biển tại một cơ sở đóng tàu hải quân Trung Quốc.
Theo chuyên gia quân sự Dean Cheng, nhà nghiên cứu tại Quỹ Heritage ở Washington, thậm chí những chiếc tàu này nếu không trang bị súng và các thiết bị quân sự khác vẫn có khả năng hoạt động lâu dài trên biển và phối hợp với các đơn vị chiến đấu.
Trung Quốc không muốn có COC
Về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), hãng tin Nga Sputnik cho rằng Trung Quốc tuyệt nhiên không quan tâm đến việc soạn thảo COC. Sputnik dẫn lời chuyên viên Viện Khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin nêu nhận xét rằng tại Singapore đã tổ chức nhiều vòng tham vấn về việc chuẩn bị COC. Nhưng những vướng mắc trước hết là bởi những đòi hỏi do phía Trung Quốc đưa ra. Thực tế cho thấy người Trung Quốc chẳng cần COC. Họ hoàn toàn thỏa mãn với tình trạng hiện nay trên biển Đông. Trung Quốc không muốn bất kỳ hạn chế nào ở đây và những bằng chứng về xu thế này xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Chuyên gia Grigory Lokshin nhận định, trong trường hợp được thông qua, COC có thể trở thành văn kiện luật đầu tiên trong thực tiễn thế giới. Về mặt lý thuyết, nó có thể tạo ra bầu không khí thuận lợi với sự tin cậy cao hơn. Sẽ có chí ít là bước đi nào đó về phía trước, để bằng cách nào đó hạn chế Trung Quốc. Cũng chính vì thế nên Trung Quốc không quan tâm đến tài liệu này.
THỤY VŨ (tổng hợp)
Mỹ và Indonesia thảo luận về an ninh hàng hải ở biển Đông Ngày 26-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của ông Widodo. Theo AP, hai bên thảo luận về hàng loạt chủ đề quan hệ song phương và các vấn đề đa phương, tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư, cắt giảm chất thải độc hại gây biến đổi khí hậu, chống khủng bố, ứng dụng công nghệ số, an ninh hàng hải, trong đó có việc an ninh hàng hải ở biển Đông. Tin từ Indonesia cho biết nước này sẽ sớm bắt đầu một vai trò tích cực hơn trong việc xoa dịu tình hình ở biển Đông. Mỹ có thể tăng cường hợp tác với Indonesia thông qua tài trợ, giúp Jakarta phát triển khả năng của lực lượng tuần duyên và bảo vệ bờ biển của quốc gia vạn đảo. HUY QUỐC |