Cho đến thời điểm này, dự thảo quy chế kỳ thi quốc gia THPT năm 2015 vẫn đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, quy chế sẽ được ban hành trước ngày 10-2 này, và chậm nhất thì cũng chỉ trong vòng 2 tuần đầu của tháng 2. Như nhiều lần chúng tôi đã đề cập, đây là sự chậm trễ đối với học sinh dự thi năm 2015, còn trên bình diện chung, có cảm giác quy chế được ban hành cập rập, vì một số nội dung chưa có sự đồng thuận cao.
Về dự thảo quy chế thi này, tại phiên họp Chính phủ tháng 1-2015 ngày 30-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong 3 đối tượng thi tốt nghiệp (thí sinh thi lại để xét tuyển đại học; thí sinh thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học; thí sinh chỉ thi tốt nghiệp), dù còn một số ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản các quy định mới đã tạo thuận lợi hơn cho hai đối tượng đầu cả về số điểm thi (tăng từ 5 cụm thi hiện nay lên hàng chục cụm thi liên tỉnh - Bộ GD-ĐT dự kiến khoảng 35 cụm thi liên tỉnh) lẫn nguyện vọng xét tuyển đại học (từ 4 nguyện vọng lên tối đa 16 nguyện vọng). Nhưng với đối tượng thí sinh là những em chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 20% tổng số thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia), theo Phó Thủ tướng, phương án thi cụm liên tỉnh của Bộ GD-ĐT đưa ra lại bị ảnh hưởng.
Vì thay vì chỉ thi tốt nghiệp tại cụm thi liên trường như hiện nay (đại đa số là thi cụm thi trong cùng huyện/quận), nay thí sinh phải di chuyển đến cụm thi tập trung trong địa bàn tỉnh/thành đó, thậm chí sang tỉnh khác để thi. Việc phải đi lại với khoảng cách xa, đặc biệt tại những tỉnh miền núi, gây không ít khó khăn cho đối tượng thí sinh này, trong đó có không ít thí sinh nhà nghèo, rất khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: “Chính sách của chúng ta đưa ra nhưng ảnh hưởng đến một bộ phận người dân thì cần phải tính rất kỹ, có giải pháp thật tốt. Đây là điểm chúng ta hết sức lưu ý. Bộ GD-ĐT cần xem xét đến mọi trường hợp trước khi công bố quy chế chính thức, thậm chí cả phương án tổ chức thi tốt nghiệp tại trường cho số thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH-CĐ”.
Cho ý kiến về vấn đề này, tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các địa phương để có tính toán đảm bảo quyền lợi tối đa của học sinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan điểm đổi mới trong thi cử, tổ chức kỳ thi đạt mục đích, yêu cầu, chất lượng nhưng phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, ít nhất cũng phải bằng hiện tại. “Các đồng chí phải bàn kỹ, tính toán hết trong mọi trường hợp và lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT sao cho thuận lợi nhất, an toàn cho mọi học sinh…” -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, với quy chế thi mới, đối với học sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp thì đi lại sẽ xa hơn, trước đây từ xã lên huyện thì nay phải lên tỉnh. Bộ đã có chủ trương các cháu không phải nộp lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi.
Cho đến thời điểm này, vấn đề tổ chức cụm thi ra sao cho thỏa đáng lợi ích của tất cả các thí sinh dự thi vẫn còn chưa có sự đồng thuận cao. Trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, bộ đã gửi công văn lấy ý kiến tất cả các địa phương về vấn đề tổ chức thi như thế nào đối với 20% thí sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT và ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Ý kiến của 3 ban chỉ đạo đồng ý về tổng thể phương án tổ chức thi theo cụm liên tỉnh của bộ. Tuy nhiên, phương án tổ chức thi cho 20% thí sinh này ra sao bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các địa phương.
Rõ ràng, một quy chế thi phải mang tính ổn định, vì lợi ích của học sinh, kể cả vấn đề sử dụng thang điểm 10 hay 20, bởi như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã cam kết, quy chế này sẽ ổn định đến năm 2021.
LÂM NGUYÊN