Theo Quyết định 71 của UBND TPHCM, từ ngày 1-1-2011, người hành nghề xe ôm phải có thẻ hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, nếu không sẽ bị phạt 40.000 - 60.000 đồng. Thời hạn thực hiện đã cận kề nhưng đến nay công tác chuẩn bị ở các quận, huyện vẫn còn nhiều bất cập.
Dân hoang mang
Theo quy định của UBND TPHCM, người hành nghề xe ôm muốn được cấp thẻ hoạt động phải có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú (KT3). Tuy nhiên, theo anh Trần Quang Hải, quê ở Tiền Giang, có thâm niên hơn 6 năm chạy xe ôm trước cửa Bến xe miền Đông: “Dân chạy xe ôm ở bến xe hầu hết là dân ngoại tỉnh, không có chỗ ở trọ cố định. Như vợ chồng tui, mới tháng trước còn ở Bình Thạnh nhưng đầu tháng này, do chủ nhà trọ đòi tăng giá phòng nên phải về Thủ Đức để giảm tiền. Chúng tôi kiếm đâu ra giấy chứng nhận tạm trú mà đăng ký. Hơn nữa, cũng chẳng được ai hướng dẫn đăng ký thế nào, bao gồm giấy tờ gì”.
Đồng quan điểm, bác Nguyễn Văn Năm, 58 tuổi, thường đậu xe đón khách ở giao lộ Nơ Trang Long - Nguyễn Huy Lượng (phường 7, quận Bình Thạnh), than thở: “Tui chạy xe bữa đực bữa cái. Cái xe là của thằng con trai cho mượn. Dù nhà ở phường 12, quận Bình Thạnh nhưng mỗi sáng tui ra đây gần Bệnh viện Ung bướu cho dễ kiếm khách. Tui không biết mình có thuộc diện phải đăng ký và nếu có thì đăng ký ở đâu, thủ tục gồm những gì”.
Đó là chưa kể các trường hợp người chạy xe ôm hành nghề tự do, không hoạt động thường xuyên và đậu xe ở một chỗ cố định; hoặc những sinh viên nghèo tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy xe kiếm tiền; với họ việc làm thẻ, mặc đồng phục quả là bất tiện và lãng phí. Còn rất nhiều lý do khiến các bác tài xe ôm chưa quan tâm quy định cấp thẻ hành nghề.
Một bác chuyên đậu xe đón khách ở ngã ba Phan Văn Trị - Nguyễn Khuyến (phường 12, quận Bình Thạnh) cho biết, cũng có nghe từ đầu năm tới phải có thẻ hành nghề nếu không sẽ bị công an thổi phạt. Song, thiệt tình bác không biết có nên đăng ký hay không. Theo bác, chuyện là ở chỗ chế tài xử phạt. Nhiều người nói, xe ôm bây giờ đầy đường, có người chạy thường xuyên nhưng cũng có người chỉ chạy lúc rảnh rỗi, thử hỏi nếu mặc quần tây, áo sơ mi bình thường, làm sao phân biệt được lúc nào họ chạy xe ôm, lúc nào chở người quen đi công chuyện? Rồi gặp công an, người đi xe cũng nói là người nhà thì đâu thể xử phạt. Chuyện xử phạt chắc chỉ… nói cho vui.
Ngoài ra, vào nghiệp đoàn sẽ được tập trung ở bến, bãi hoặc một chỗ đậu nhất định, sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc chở khách quen. Thực tế, nhiều người chỉ thích ngoắc xe ôm gần nhà, phải đi bộ một quãng xa e rằng họ sẽ lựa chọn phương tiện khác. Đó là chưa kể, hàng tháng hoặc hàng quý phải mất một khoản thu nhập để đóng phí quản lý mà chẳng biết việc quản lý, sử dụng ra sao. Người ta chỉ tham gia các tổ chức, nghiệp đoàn khi nhận thấy quyền lợi của mình, nhưng với quy định vừa được ban hành, rõ ràng chưa thấy có lợi gì.
Chính quyền lúng túng
Chỉ cách nhau một con đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), nhưng bên này đường những người chạy xe ôm ở phường 24 đã được tập hợp xong danh sách, gởi hồ sơ lên UBND quận Bình Thạnh chờ cấp thẻ hành nghề, còn bên kia đường các bác tài ở phường 12 cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo hay hướng dẫn nào từ phường.
Trong vai người chạy xe ôm đến UBND phường 12 hỏi thủ tục đăng ký thẻ hành nghề, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Về nhà chờ, khi nào có phường gọi”. Chị Lan, cán bộ tiếp dân cho biết thêm: “Phường đã nhận được văn bản hướng dẫn thủ tục đăng ký hành nghề xe ôm từ UBND quận. Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị văn bản gởi xuống các tổ dân phố”. Mặt khác, trong khi ở các phường 12, 19, 24, quận Bình Thạnh, việc cấp thẻ hành nghề xe ôm hoàn toàn không thu phí thì ở phường Tân Định, quận 1, mỗi tài xế xe ôm phải nộp 10.000 đồng.
Bà Phan Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định, cho biết việc thu 10.000 đồng/người để làm bảng tên cho tài xế đã được thống nhất giữa Liên đoàn Lao động quận 1 và đội xe ôm tự quản của phường. Tuy nhiên, sau khi có thông tin Sở Giao thông Vận tải phát thẻ hành nghề miễn phí cho tài xế xe ôm, phường đang làm việc lại với các bên liên quan ngưng lại việc này.
Ngoài ra, do Quyết định 71 của UBND TPHCM chưa quy định rõ các chi phí in ấn, photo tài liệu, cấp giấy chứng nhận, đồng phục cho người hành nghề xe ôm ở địa phương do đơn vị nào chịu trách nhiệm nên có nơi tự xoay xở, nơi vẫn chờ hướng dẫn từ quận và các sở, ngành.
Như vậy, quy định đã có nhưng hiện nay người dân vẫn hoang mang do chưa nhận được hướng dẫn từ phường, trong khi phường cũng đang loay hoay chờ văn bản hướng dẫn từ quận. Và khi thời hạn cấp thẻ đã cận kề, nhiều người lo ngại quy định cấp thẻ hành nghề xe ôm liệu sẽ giống quy định cấm xe ba bánh trước đây, việc thực hiện cứ theo kiểu đến hẹn lại… dời?
Thu Tâm