Quy định làm thêm giờ: Cân nhắc mức độ và thời gian

Bộ LĐTB-XH đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, có Nghị quyết về việc cho phép các doanh nghiệp (DN) tăng thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ) từ 40 giờ/tháng hiện nay lên 72 giờ/tháng trước tình hình nhu cầu phục hồi sản xuất tăng cao, thiếu công nhân lao động nghiêm trọng.
Hoạt động sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: QUANG PHÚC
Hoạt động sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: QUANG PHÚC

Tạo thêm thu nhập

Trao đổi với PV Báo SGGP về tình hình tiền lương và giờ làm việc, hầu hết công nhân lao động may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử… tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… đều bày tỏ mong muốn được làm thêm giờ, thêm ca để có thêm nguồn thu nhập. Chị Bùi Thị Thảo, công nhân may của Công ty cổ phần May Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, từ sau tết đến nay, giá cả các loại hàng hóa, thực phẩm, thuốc men, nhất là chi phí xăng xe tăng cao, nên với mức lương công nhân phổ thông gần 6 triệu đồng/tháng không đủ giúp chị nuôi 2 con ăn học. Do đó, chị Thảo cũng như hàng trăm công nhân ở TP Bắc Giang, Hiệp Hòa, Quế Võ có nhu cầu làm thêm 1-2 giờ mỗi ngày, thậm chí sẵn sàng làm cả vào chủ nhật, để có thêm tiền lương trang trải cuộc sống. 

Tương tự, chị Phạm Thị Hoa cùng nhiều công nhân tại một DN may mặc xuất khẩu 100% vốn Hàn Quốc cho biết, chị và con trai phải tạm nghỉ làm gần 1 tháng qua vì các thành viên trong gia đình lần lượt mắc Covid-19. Theo tâm sự của nhiều công nhân, trong các tháng sản xuất “3 tại chỗ”, do làm việc và sinh hoạt ngay tại nhà máy nên thời gian rảnh khá nhiều, hầu hết NLĐ có nguyện vọng được làm thêm giờ để tiết kiệm thời gian. Theo thông tin từ các DN sử dụng nhiều lao động và đang áp dụng chính sách làm thêm giờ, một công nhân nếu được bố trí làm việc tăng giờ vào ngày thứ bảy sẽ được trả công gấp 1,5 lần, nếu làm vào chủ nhật thì được trả gấp 2 lần mức lương.

Chia sẻ với PV Báo SGGP, chị Trần Quý Dân, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10, cho biết, có thêm tiền lương - thu nhập luôn là mong muốn của công nhân lao động, và đề xuất cho phép mở rộng “khung” giờ làm thêm để giúp DN, NLĐ tạm thời tháo gỡ khó khăn là chủ trương đúng trong điều kiện tập trung sản xuất, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nhà nước cần có tính toán, quy định cụ thể về mức độ và thời gian làm thêm để DN có căn cứ thực hiện. 

Công nhân trong giờ ăn trưa tại công ty. Ảnh: QUANG PHÚC

Giải pháp tình thế

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp dịch chuyển lao động, công nhân về quê… nên nhiều DN, nhà máy đang thiếu công nhân trầm trọng. Theo dự báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng lên. Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, lao động thời vụ. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh, sau 2 năm dịch Covid-19 kéo dài, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều DN và NLĐ cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200-300 giờ/năm. Từ thực tế này, để bảo đảm hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì việc làm và thu hút đầu tư, Bộ LĐTB-XH đã có đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng số giờ làm thêm. Theo đề xuất này, số giờ làm thêm tối đa trong tháng sẽ tăng từ 40 giờ/tháng hiện hành lên 72 giờ/tháng, đồng thời mức trần giờ làm thêm trong năm tăng từ 200 lên 300 giờ/năm và được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do chủ sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận.

Thứ trưởng  Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Việc làm thêm giờ như đề xuất sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản... Do đó, chính sách này được đề xuất áp dụng từ nay đến ngày 31-12-2022 và tùy theo tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10-2022.

--------------------------------------

* Bà TRẦN THỊ LAN ANH, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Hỗ trợ cải thiện thu nhập

Việc đề xuất chính sách nới trần khung giờ làm thêm trong 1 tháng (từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ) và áp dụng số giờ làm thêm trong 1 năm không quá 300 giờ đối với tất cả ngành, nghề, công việc… thể hiện sự lắng nghe, đồng hành của Chính phủ và các bên với doanh nghiệp. Ngay sau Tết Nguyên đán, tình trạng thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp càng là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tăng khung giờ làm thêm nhằm giúp doanh nghiệp phần nào bù đắp được năng suất, sản lượng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh, kịp tiến độ đơn hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Về phía người lao động, làm thêm giờ cũng là một cách hỗ trợ họ cải thiện thu nhập, nhất là đối với những lao động đã phải nghỉ việc một thời gian dài do dịch bệnh. Đề xuất điều chỉnh tăng thời gian làm thêm vào thời điểm hiện nay là cần thiết. Hơn nữa, nếu đề xuất này được chấp thuận thì cũng không áp dụng lâu dài mà chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn, có thể trong 2 năm 2022-2023, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

* Ông PHAN THANH BÌNH, Trưởng phòng Quản lý hệ thống và nhân sự Công ty TNHH Fly Garment: Phù hợp tình hình thực tế

Thực tế, từ trước đến nay ngành dệt may đều chủ động tăng ca làm thêm giờ khi đơn hàng nhiều, thời gian giao hàng gấp. Đặc thù lao động ngành dệt may chủ yếu là nữ. Trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp dệt may thường thiếu hụt 20-30%, do lao động nữ được nghỉ thời gian mang thai, hưởng chế độ thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Chưa kể, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến nguồn lao động trong doanh nghiệp càng thiếu hụt nghiêm trọng. Do đó, để đáp ứng đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải bố trí thời gian làm thêm giờ vượt mức 300 giờ/năm và phải làm giải trình với đối tác, khách hàng. Do vậy, việc Chính phủ quy định tăng số giờ làm rất phù hợp tình hình thực tế hiện nay, giúp “hợp thức hóa” để doanh nghiệp lẫn người lao động chủ động thực hiện.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi ủng hộ quy định tăng giờ làm, nhưng phải phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Công nhân ngành dệt may luôn mong được tăng ca làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Do đó, việc quy định tăng thêm giờ làm việc, cả phía doanh nghiệp lẫn người lao động đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong quy định cần “mở” để doanh nghiệp và người lao động thực hiện theo thỏa ước lao động, không nên áp đặt thêm quy định làm tăng chi phí, gánh nặng cho phía doanh nghiệp.

* Ông LÊ NHUNG, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt: Phải cân nhắc hợp lý

Chúng tôi chưa tiếp cận nội dung dự thảo quy định về tăng giờ làm thêm của Chính phủ, mới đọc qua báo chí. Tuy nhiên, quy định tăng số giờ làm thêm cho người lao động trong thời điểm hiện nay là cần thiết, đặc biệt trong ngành dệt may. Bởi hiện nay, sau thời gian ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hầu hết doanh nghiệp ngành dệt may đang khan hiếm lao động. Không chỉ số lượng công nhân về quê trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 không trở lại, mà xu hướng công nhân ngành may chuyển qua làm nghề khác càng khiến nguồn lao động bị thiếu hụt. 

Chúng tôi chuyên gia công hàng thời trang may mặc, do vậy, việc tăng số giờ làm việc là cần thiết, nhưng phải đảm bảo với thông lệ quốc tế. Mặt khác, khi quy định tăng giờ làm thêm, Chính phủ nên cân nhắc có đưa hệ số tăng thêm để tính vào lương cơ bản hay không? Bởi nếu tính thêm hệ số giờ làm thêm sẽ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

* Ông HONG SUN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM): Cần thiết cho cả hai phía

Hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và của Hàn Quốc nói riêng đang rất thiếu nhân lực tham gia sản xuất. Chính vì thế, nếu thời gian tới chưa kịp bổ sung nguồn nhân lực thì giải pháp cần thiết lúc này là phải tăng thêm thời gian lao động. Thực ra, từ những năm trước đã từng có ý kiến đề xuất việc nới trần thời gian làm thêm cho người lao động, nhưng Chính phủ Việt Nam không chấp thuận vì liên quan đến pháp luật về lao động đã quy định. Đây cũng là sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô lớn, cần lao động nhiều.

Tin cùng chuyên mục