Quy định mới trong ghi đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi: Vẽ rắn thêm chân

Lãnh đạo một bệnh viện thẳng thắn góp ý: “Thông tin trên toa thuốc thì tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán là quan trọng nhất, sau đó là địa chỉ và điện thoại liên lạc, chứ số CMND có hay không cũng chẳng quan trọng. Bác sĩ áp đúng quy định không kê đơn sẽ khiến người nhà bệnh nhi phải trình đủ thủ tục, quá phiền hà!”.
Bắt đầu từ ngày 1-3-2018, Thông tư 52 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc ngoại trú chính thực có hiệu lực thi thành. Một trong những quy định đáng chú ý trong Thông tư 52 là khi kê đơn thuốc, bác sĩ phải ghi địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của người bệnh. 
Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân của bố, mẹ, người giám hộ của trẻ, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ BHYT, chẩn đoán bệnh, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình. Chỉ sau 2 ngày thực thi, quy định này đã gây không ít phiền hà cho người dân.
Quy định mới trong ghi đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi: Vẽ rắn thêm chân ảnh 1 Từ 1-3, nhà thuốc chỉ được bán khi đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi có ghi số giấy tờ tùy thân của cha mẹ hoặc người giám hộ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Rắc rối, phiền phức
Rắc rối; không mang lại lợi ích gì mà còn gây khó khăn phiền hà… là những câu trả lời mà chúng tôi nhận được khi hỏi về quy định bắt buộc phải có CMND mới được mua thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi theo Thông tư 52.
Chị Đinh Thị Hằng (36 tuổi, ngụ Bình Chánh, TPHCM) ngao ngán: “Quy định này không mang lại lợi ích gì mà còn nặng về hành chính, bất cập cho gia đình, nhất là trường hợp gia đình vội đi chữa bệnh cho con không mang theo giấy tờ tùy thân”.
Còn anh Trần Trọng Hiếu (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết không muốn cung cấp số CMND cho người khác biết, vì đó là vấn đề riêng tư.
Anh Hiếu phân trần, có rất nhiều trường hợp “nhạy cảm” mà người đưa trẻ đi khám bệnh không muốn công khai mối quan hệ với trẻ (con nuôi, con ngoài giá thú, con rơi…); hoặc ông, bà đưa cháu đi khám.
“Chúng ta luôn cố gắng để đơn giản thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Nhưng thông tư này đã “mua thêm” thủ tục và gây phiền hà cho bệnh nhân”, anh Hiếu bức xúc. 
Theo lãnh đạo một bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM, lâu nay bệnh viện áp dụng toa thuốc trẻ em đã có địa chỉ, số điện thoại bố mẹ để cần thông tin gì thì điện thoại truy lại, giờ thêm số CMND nữa là không cần thiết.
Vị này thẳng thắn góp ý: “Thông tin trên toa thuốc thì tên, tuổi, cân nặng, chẩn đoán là quan trọng nhất, sau đó là địa chỉ và điện thoại liên lạc, chứ số CMND có hay không cũng chẳng quan trọng. Bác sĩ áp đúng quy định không kê đơn sẽ khiến người nhà bệnh nhi phải trình đủ thủ tục, quá phiền hà. Nhất là hiện nay, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí việc đi khám, điều trị; chỉ cần xuất trình thẻ này thì đã đảm bảo đủ thủ tục cần thiết, đâu cần phải yêu cầu cha, mẹ xuất trình CMND”.
Không phải trình chứng minh thư khi mua thuốc cho trẻ
Trước những phản ứng của dư luận, ngày 2-3, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái cho biết, quy định trên cần được hiểu rõ là ngay khi đến các cơ sở khám chữa bệnh, cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND/căn cước công dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ những thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của người bệnh và số CMND của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi), thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ đều có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Theo ông Cao Hưng Thái, đây là nội dung mới so với những quy định trước đây về đơn thuốc và kê đơn thuốc. Bởi lẽ, đơn thuốc phải đảm bảo 3 ý nghĩa: Tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; Tính kinh tế để người bệnh tính được chi phí khám chữa bệnh; Tính pháp lý về mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.  
Phản ứng về một số nội dung trong Thông tư 52, nhiều bác sĩ và người dân cho rằng đây là những quy định gây phiền phức. Bởi lẽ, nếu Bộ Y tế đã quy định mà bác sĩ không ghi thì không thực hiện đúng đơn thuốc mẫu, dẫn tới vi phạm. Tuy nhiên, nếu cha mẹ khi đưa trẻ đi khám bệnh, chẳng may không mang hoặc không nhớ số CMND/thẻ căn cước thì không lẽ bác sĩ lại không kê đơn thuốc, nhất là trong tình trạng khẩn cấp.
Ông Cao Hưng Thái thông tin, thời gian tới, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra giám sát, nếu phát hiện ra nhà thuốc vẫn bán những đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi mà không có số CMND của cha, mẹ, hay người giám hộ thì sẽ truy cứu trách nhiệm và xử phạt nghiêm. Trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó là trách nhiệm của bác sĩ kê đơn. Việc ghi thêm số CMND trên đơn thuốc cũng chỉ mất thêm một chút thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ, nhưng đây là việc hoàn toàn cần thiết để quản lý tốt hơn việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là trước tình trạng mua bán và lạm dụng kháng sinh diễn ra phổ biến hiện nay. Hơn nữa, cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh nhưng đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMND không có gì là quá khó khăn.
Ông Thái cũng cho biết, Thông tư 52 liên quan đến nhiều đối tượng nên trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục có những đánh giá, khảo sát để kịp thời bổ sung và hoàn thiện những bất cập nếu có.

Tin cùng chuyên mục