Quy định pháp lý về đưa người vào trung tâm hỗ trợ xã hội

Nếu chỉ căn cứ vào việc không thể xuất trình giấy tờ tùy thân để đưa một người vào trung tâm hỗ trợ xã hội, là chưa đúng quy định pháp luật.

2 cô gái trẻ đang uống cà phê tại phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM) vào buổi chiều, bỗng dưng bị công an phường kiểm tra hành chính, do không mang theo giấy tờ tùy thân đã bị lập hồ sơ đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Từ sự việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc, đặt câu hỏi về quy định pháp luật đối với việc mang giấy tờ tùy thân khi ra ngoài, và trường hợp nào bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 05/1999, công dân phải mang theo chứng minh nhân dân khi đi lại, giao dịch, xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Và theo quy định tại Điều 9 Nghị định 167/2013, trường hợp không thể xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền, sẽ bị phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng.

Nếu chỉ căn cứ vào việc không thể xuất trình giấy tờ tùy thân để đưa một người vào trung tâm hỗ trợ xã hội, là chưa đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, cần phải xác định người đó có thuộc diện đối tượng đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội hay không. 

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013, đối tượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội bao gồm: Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trẻ em khuyết tật; người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng); đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp (nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú); đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở bảo trợ xã hội. 

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, ngày 19-7-2017, UBND TPHCM cũng đã ban hành Quyết định 29 về việc quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TPHCM, để quy định về trình tự, thủ tục đưa những người này vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Theo đó xác định: Người sinh sống nơi công cộng là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm giặt, ăn ngủ tại nơi công cộng như vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng khác. Người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định. 

Như vậy, việc lập hồ sơ buộc người đang uống cà phê không mang giấy tờ tùy thân đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội là lạm quyền, không đúng pháp luật. Việc xử lý cán bộ làm sai sẽ áp dụng theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan tùy theo mức độ vi phạm. 

Một số hình thức xử lý được áp dụng như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, bãi nhiệm... Ở mức độ xử lý cao hơn, nếu hành vi đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285, hoặc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 Bộ luật Hình sự 1999.

Tin cùng chuyên mục