Quy định quyền tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê

• Luật hóa việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm
Quy định quyền tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê

• Luật hóa việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm

(SGGPO).- Sáng 4-11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi). Các ý kiến tại phiên họp đồng tình với nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với Bộ, ngành; giữa trung ương với địa phương. Nhiều ĐBQH cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê Nhà nước sau khi được công bố.

Xác định thời điểm công bố thông tin thống kê

Nhiều ĐBQH cho rằng thông tin thống kê nếu không được công bố chính xác, kịp thời sẽ không còn ý nghĩa đối với công tác hoạch định chính sách. Vì thếm, đề nghị dự thảo Luật quy định rõ thời điểm về thời hạn công bố thông tin thống kê, thời hạn công bố thông tin chính thức về kết quả điều tra quốc gia.

Hoạt động thống kê ngoài Nhà nước có thể hỗ trợ rất tốt cho thống kê nhà nước, nhất là thông tin từ những tổ chức thống kê nước ngoài có uy tín – đó là nhận định của ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định). ĐB này đề nghị, sau khi được chấp thuận của cơ quan thống kê Trung ương, thông tin thống kê ngoài Nhà nước cũng có giá trị như thống kê Nhà nước.

Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. “Người dân phải được quyền sử dụng thông tin thống kê của Nhà nước sau khi thông tin đã được công bố”, ông nói. ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng tỏ ra băn khoăn về số liệu thống kê, ngay cả từ cơ quan thống kê Trung ương, về GDP hàng năm; tỷ lệ thất nghiệp; số liệu doanh nghiệp; số lao động qua đào tạo... “Nhiều khi biết không chính xác nhưng vẫn phải dùng vì số liệu thống kê là căn cứ pháp lý duy nhất có”, ĐB Bùi Sỹ Lợi phàn nàn. Để tạo cơ chế “kiểm tra chéo”, theo ĐB này, cần có Hội đồng thống kê quốc gia, tập hợp nhiều nhà khoa học…

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, người dân phải được quyền sử dụng thông tin thống kê của Nhà nước sau khi thông tin đã được công bố. Ảnh Lã Anh

Đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong số liệu thống kê Nhà nước cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh). Giải pháp khắc phục là quy định rõ trách nhiệm, không phải chỉ cơ quan thống kê Trung ương mà cả các cơ quan thống kê địa phương. ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) “hiến kế” đưa vào luật nội dung cần cấm hành vi gây sức ép làm sai lệch thông tin thống kê quốc gia. Theo ĐB này, trên thực tế vẫn tồn tại tình trạng này vì căn bệnh thành tích.

Phát biểu với tư cách ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ĐB tỉnh Lai Châu) đồng tình cao với các ĐB về yêu cầu số liệu thống kê phải chính xác và khách quan, nhưng khẳng định ông “không bao giờ yêu cầu làm méo mó số liệu thống kê”. Theo Bộ trưởng, công tác thống kê hiện tại đã đạt đến mức độ hội nhập cao và cơ bản tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; mặc dù đúng là hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam vẫn có một số sai khác so với thông lệ quốc tế.

Về thời hạn công bố thông tin thống kê, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, đây là vấn đề ông cũng rất trăn trở, vì hiện nay có đến 3 lần công bố: dự ước, tạm tính và kết quả thực hiện thực tế nên “có khi người ngoài ngành thấy có sự khác biệt lại nghi ngờ là có “đạo diễn”. Nếu số liệu đầu vào trung thực, thì số liệu anh em tính toán ra là chính xác, tôi xin đảm bảo như vậy”.

Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn đề nghị bỏ hẳn một số chỉ tiêu “không điều hành thực chất được”, như chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI). “Kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu, giá cả trên thế giới thay đổi thì CPI của chúng ta cũng phải thay đổi theo đúng quy luật” – ông giải thích.

Luật hóa việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản cũng đã được trình bày tại phiên họp QH sáng 4-11. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng cần đưa vào Luật một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, bảo đảm tính minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.

“Thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm và cho rằng đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế, trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật”, ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật mà tính ổn định chưa cao, chưa mang tính thị trường. Vì thế, quy định về doanh nghiệp đấu giá tài sản trong dự thảo Luật là một trong những nội dung cần cân nhắc kỹ.

Dự thảo luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.

Dù đa số thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với quan điểm thể hiện tại dự thảo, song cũng có ý kiến cho rằng quy định “doanh nghiệp đấu giá tài sản không đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác” là không phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp về quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Loại ý kiến này đề nghị cho phép doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập và hoạt động theo các hình thức sở hữu khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… và được đồng thời kinh doanh một số ngành nghề liên quan đến đấu giá tài sản như tư vấn, thẩm định giá, quản lý tài sản…

• Trong một động thái khác có liên quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa gửi một báo cáo đến các vị đại biểu Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của VAMC, người đứng đầu NHNN kiến nghị QH ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu hoặc một bộ luật về xử lý nợ xấu, có hiệu lực trong quá trình xử lý nợ xấu từ 3 đến 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:

               Phải chế tài trách nhiệm người cung cấp số liệu đầu vào

“Tôi đồng ý là phải chế tài trách nhiệm người cung cấp số liệu cho cán bộ thống kê. Các đại biểu đều biết là rất nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì. Đầu vào không chính xác thì đừng nói đến số liệu chính xác. Ở nước ngoài vi phạm về thuế, vi phạm về thống kê người ta xử lý rất chặt. Tôi đồng ý là phải rà soát xem các quy định trong luật về xử lý vi phạm hành chính, hoặc pháp luật hình sự đã quy định về cái này chưa.

Trong số 185 chỉ tiêu thống kê thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ công bố 70-80 thôi, còn lại là các bộ, ngành tự thống kê. Nếu nói rằng để các bộ, ngành chuyên môn công bố sẽ khách quan hơn thì tôi không đồng ý. Bởi tôi cho rằng người làm ra bảng "thành tích" ấy thường không khách quan, bởi người ta vẫn muốn con số đẹp, vì vậy mới cần thống kê độc lập để có con số chính xác”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục