Quy định về sử dụng giấy phép lái xe quốc tế

GPLX quốc tế (International Driving Permit) là GPLX do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của 85 nước tham gia Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ cấp theo một mẫu thống nhất.

Gần đây, trên mạng lan truyền một clip ghi lại việc cảnh sát giao thông không chấp nhận giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế của một người điều khiển ô tô lưu thông trên đường Mai Chí Thọ (quận 2, TPHCM). Dư luận thắc mắc: Tại Việt Nam, GPLX quốc tế có được công nhận hay không?
GPLX quốc tế (International Driving Permit) là GPLX do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của 85 nước tham gia Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ cấp theo một mẫu thống nhất. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Vienna vào ngày 20-8-2014. Công ước này quy định các quốc gia thành viên phải công nhận GPLX quốc tế được cấp bởi quốc gia thành viên khác trên lãnh thổ của mình. Kể từ ngày 1-10-2015, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận các quy định về việc cấp, sử dụng GPLX quốc tế tại Thông tư 29.
Cụ thể, người có GPLX quốc tế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Vienna phải mang theo GPLX quốc tế và GPLX quốc gia. Như vậy, GPLX quốc tế do Việt Nam cấp chỉ có hiệu lực sử dụng tại nước ngoài nếu xuất trình kèm GPLX quốc gia. Do đó, người Việt Nam khi đi công tác, du lịch, học tập hay định cư ở nước ngoài, thay vì bắt buộc phải xin cấp GPLX của nước sở tại mới được phép lái xe thì hiện nay chỉ cần xuất trình đầy đủ GPLX quốc tế do Việt Nam cấp cùng GPLX quốc gia, là có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại các quốc gia là thành viên của Công ước Vienna. GPLX quốc tế do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Hay nói cách khác, GPLX quốc tế do Việt Nam cấp có giá trị sử dụng tại 84 quốc gia (trừ Việt Nam). Vì vậy, công dân Việt Nam không thể sử dụng GPLX quốc tế do Việt Nam cấp để thay thế cho GPLX quốc gia. 
Với GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước Vienna cấp, người điều khiển phương tiện tại Việt Nam còn phải xuất trình GPLX quốc gia của mình. Theo tình huống trong clip, lái xe đã xuất trình GPLX quốc tế do Đức cấp. Vì Đức là quốc gia thành viên tham gia Công ước Vienna nên GPLX quốc tế này hoàn toàn được công nhận giá trị sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, lúc kiểm tra, lái xe không xuất trình được GPLX quốc gia (Đức), nên theo căn cứ theo Điều 11 Thông tư 29 thì lái xe đã không đáp ứng điều kiện điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam. Do đó, quyết định tạm giữ phương tiện của cảnh sát giao thông là có cơ sở.
Ngoài ra, đối với trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nếu muốn điều khiển xe tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục xét đổi từ GPLX quốc gia của mình sang GPLX tương ứng tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 37 Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải. Với người đã có GPLX quốc tế do quốc gia tham gia Công ước Vienna cấp, thì không cần phải thực hiện thủ tục đổi sang GPLX Việt Nam, mà chỉ cần xuất trình GPLX quốc tế đồng thời với GPLX quốc gia của mình.

Tin cùng chuyên mục