(SGGP).- Ngày 9-4, tại buổi họp về quy hoạch vùng cây ăn trái Nam bộ, theo Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái chủ lực (đặc sản) được các địa phương quy hoạch hơn 146.000 ha, chiếm 36% diện tích cây ăn trái toàn vùng, bao gồm 14 loại: cây có múi (bưởi, quýt hồng, cam, chanh), xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, vú sữa, măng cụt, dâu, khóm, mãng cầu, nho, táo và chuối.
Các tỉnh ít có thế mạnh về nhiều loại cây ăn trái như Bình Thuận, có trái thanh long và tỉnh Kiên Giang có chuối… được quy hoạch, tổ chức sản xuất, gắn với tiêu thụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có sự chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến huyện, xã. Những tỉnh có điều kiện trồng nhiều cây ăn trái như Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… việc sản xuất, tiêu thụ gần như là tự phát và 95% lượng trái cây được tiêu thụ từ thương lái.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, cần học cách làm của tỉnh Bình Thuận về quy hoạch, tổ chức sản xuất theo VietGAP và tiêu thụ tạo thành một chuỗi giá trị, trong đó đưa thương lái vào chuỗi giá trị, gắn với việc đầu tư nhà sơ chế, vận chuyển. Bộ NN-PTNT sẽ sớm công bố quy hoạch tổng thể cây ăn trái toàn vùng, nhưng yêu cầu các tỉnh cần có quy hoạch chi tiết đến từng xã, nếu có điều kiện thí điểm đến từng hộ.
Đ.C.P.