Quy hoạch của Bộ TN-MT đòi hỏi tập trung nguồn lực, có sự phối hợp của nhiều cơ quan

Sáng 3-3, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã có buổi làm việc với Bộ TN-MT.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân báo cáo tại buổi họp​
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân báo cáo tại buổi họp​

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ TN-MT có nhiệm vụ lập hai quy hoạch cấp quốc gia là Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia và 6 quy hoạch ngành quốc gia (gồm: Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia).

Đến nay, Bộ TN-MT đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, được Quốc hội khóa XV thông qua năm 2021, Quy hoạch không gian biển quốc gia dự kiến đúng tiến độ. Trong 6 quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành Quy hoạch về tài nguyên nước, 3 quy hoạch dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2022 và 1 quy hoạch dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2023, riêng Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa rõ thời hạn.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT đã chủ động tham gia góp ý thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch vùng trong cả nước; phối hợp góp ý lập quy hoạch 15/63 tỉnh, thành phố; thẩm định 13 hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng.

Quy hoạch của Bộ TN-MT đòi hỏi tập trung nguồn lực, có sự phối hợp của nhiều cơ quan ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc 

Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ rõ một số nội dung trong báo cáo cần được làm rõ. Lưu ý đến nhận xét của Bộ TN-MT cho rằng, việc tích hợp trong quy hoạch tỉnh chưa có quy định cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được nhiều bộ đều nêu. “Trong tình trạng thiếu quy định như vậy thì việc thực hiện tích hợp như thế nào, có bảo đảm chất lượng, tính thống nhất hay không. Đồng thời, Bộ TN-MT cần báo cáo thêm việc rà soát các quy hoạch hết hiệu lực”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, một số quy hoạch của Bộ TN-MT liên quan chặt chẽ đến một số bộ, ngành khác, cần làm rõ công tác phối hợp thực hiện, phân định phạm vi nội dung; đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế; phối hợp chia sẻ thông tin.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhận định, các quy hoạch do Bộ TN-MT phụ trách là lĩnh vực khó, đòi hỏi tập trung nguồn lực, cũng như có sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong khi đó một số quy hoạch mới thiếu dữ liệu đầu vào. Bà Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ TN-MT nêu cụ thể về tiến độ thời gian và tính khả thi của việc hoàn thành các quy hoạch ngành do Bộ phụ trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt vấn đề có hay không việc chồng chéo giữa các quy hoạch ngành do Bộ TN-MT phụ trách với các quy hoạch ngành của các bộ khác và dẫn chứng từ Quy hoạch chế biến khai thác khoáng sản, thăm dò khoáng sản để dùng vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản của Bộ Công thương với Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản của Bộ TN-MT.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn thì đề nghị Bộ TN-MT hoàn thiện báo cáo đáp ứng đúng yêu cầu, trong đó làm rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân, cụ thể các nội dung tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, làm rõ các nhận định và lượng hóa bằng số liệu cụ thể.

Tin cùng chuyên mục