Đó là một trong những quy định tại Thông tư hướng dẫn lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của Bộ Xây dựng vừa ban hành. Quy chế này làm cơ sở để xem xét cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị.
Thông tư hướng dẫn ba phần: lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với các TP trực thuộc trung ương; đô thị tại các TP, thị xã trực thuộc tỉnh; các đô thị thuộc huyện. Đối với các thành phố trực thuộc trung ương, thông tư nhấn mạnh: tại các khu vực đô thị cũ hiện hữu cần phân định, giới hạn khu vực quản lý (như đô thị cổ, phố cổ, phố cũ…).
Đồng thời quy định cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xây dựng chỉnh trang, cải tạo khu vực đô thị cũ. Những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt tại khu đô thị cũ hiện hữu cần lập quy hoạch và kêu gọi các DN tham gia, quản lý theo tuyến phố, ngõ phố và có sự thống nhất đồng thuận của người dân trên cơ sở hồ sơ bản vẽ sơ bộ và cụ thể.
Tại các khu đô thị mới thì quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt và có cơ chế khuyến khích chủ đầu tư xây dựng theo tiêu chí khu đô thị kiểu mẫu. Cần định hướng kiến trúc, quy định cụ thể chức năng loại công trình kiến trúc được xây dựng ở các quảng trường, trục đường, tuyến phố chính, cửa ngõ đô thị.
Ngoài ra kiểm soát về khoảng lùi, tầng cao, hình thức kiến trúc của công trình (vật liệu xây dựng, màu sắc, kết cấu…). Quy định loại cây xanh, hàng rào (kích thước, vật liệu, kiểu dáng…) cũng như hình thức, kích cỡ của biển báo, biển quảng cáo trên toàn tuyến đường… Đối với các chung cư cũ cần cải tạo chỉnh trang nhưng chưa có quy hoạch thì phân loại chung cư theo thời gian xây dựng, có quy định bắt buộc để bảo vệ các không gian công cộng (sân chơi, vườn hoa…).
Thông tư cũng hướng dẫn việc quản lý kiến trúc tại các khu vực bảo tồn nhằm phát huy những giá trị vốn có của khu vực như văn hóa, không gian, kiến trúc, cảnh quan; bảo tồn được các công trình cổ, đối với các công trình khác, tiện ích đô thị phải phù hợp với đặc trưng khu vực bảo tồn.
Theo đó, phải chỉ ra các khu vực bảo tồn, khu vực có các công trình có giá trị, định hướng bảo tồn, phân vùng theo cấp độ kiểm soát, bảo vệ; quy định khu vực cho phép phát triển. Đồng thời quy định cụ thể đối với các công trình bảo tồn, di tích lịch sử-văn hóa, các công trình khác trong khu vực. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10-12-2010.
VI QUÂN