Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Năm 2016 sắp khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản và toàn diện, bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở về những việc đáng lẽ ngành có thể làm tốt hơn. Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có trao đổi với báo chí về những dự định của ngành giáo dục trong năm 2017.
* PHÓNG VIÊN: Đánh giá lại những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2016, Bộ trưởng nhìn nhận ra sao?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
- Bộ trưởng PHÙNG XUÂN NHẠ: Năm 2016, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và là năm đầu tiên đưa nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Nhiều quyết sách, chính sách giáo dục trong năm 2016 đã tác động tích cực, góp phần thay đổi suy nghĩ, cách thức quản lý và hoạt động của cả hệ thống giáo dục.
Cụ thể, đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành.
Trên tinh thần cầu thị, năm 2016, ngành giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành, đã góp phần giảm áp lực, tạo khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi vẫn giữ được tinh thần nhân văn của Thông tư 30.
Quy chế đào tạo tiến sĩ hay nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới, hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Thí sinh trao đổi sau giớ thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: MAI HẢI
* Ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong năm qua, nhưng dường như chưa phải đã hết những băn khoăn từ dư luận?
- Chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được. Trong xây dựng và thực hiện chính sách về GD-ĐT, cần đề cao tính thực tiễn và hiệu quả thực sự trong quá trình triển khai.
Mặc dù trước khi xây dựng chính sách đều có nghiên cứu, khảo sát, nhưng thực tế cho thấy đâu đó vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế, bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.
Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành. Cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn. Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp...
* Thực tế đó cho thấy, năm 2017 ngành giáo dục có rất nhiều việc phải làm, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2017, đối với bậc học mầm non, tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học, sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành. Từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới…
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.
Tôi cho rằng, toàn ngành giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
LÂM NGUYÊN ghi