Quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất là công cụ pháp lý hỗ trợ quản lý nhà nước về đất đai và có tác động nhất định đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, vì sẽ góp phần làm giảm hoặc tăng mức độ phát thải CO2 trong quá trình sử dụng đất. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất có lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng giảm phát thải CO2, được tập trung chủ yếu vào việc tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch nước mặt.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đã bắt đầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân đô thị như ngập lụt, đảo nhiệt đô thị, thời tiết bất thường… Những hiện tượng này đang tăng nhanh và trở thành nhân tố quan trọng đối với công tác quy hoạch đô thị.
Các khu dân cư xây dựng mới phải cỏ mảng xanh, hồ điều tiết... để thích nghi biến đổi khí hậu. Ảnh: PHẠM CAO MINH
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, là TP cảng lớn nhất đất nước, là đầu mối giao thông quan trọng trên phương diện đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là cửa ngõ quốc tế. Tuy nhiên, TPHCM cũng đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên hơn bao giờ hết công tác quy hoạch của thành phố được xem là có vai trò quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010, quy hoạch chung TP đã được xây dựng trên cách tiếp cận đối với các điều kiện tự nhiên về địa chất, thủy văn… kết hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP và dự kiến đến năm 2025 sẽ quy hoạch khoảng 30 hồ điều tiết vừa và lớn. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có quy định hay hướng dẫn để cụ thể hóa các định hướng cơ bản liên quan vấn đề phù hợp điều kiện tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tình trạng mực nước gia tăng trên các sông rạch xung quanh khu vực TPHCM một phần là do quá trình thay đổi cơ cấu sử dụng đất trên lưu vực, san lấp các vùng trũng ven sông, thậm chí xóa bỏ sông rạch. Do vậy, cần phải thiết lập lại một mô hình thủy văn đầy đủ cho toàn lưu vực dựa trên các diễn biến về sử dụng đất, biến động hiện trạng sông rạch, biến động về địa hình, sự thay đổi lượng mưa trên toàn lưu vực và những yếu tố vật lý khác. Mô hình này sau khi được kiểm định và đánh giá một cách cẩn thận, sẽ là công cụ tốt cho việc đề xuất các biện pháp khôi phục lại các điều kiện tự nhiên của khu vực trũng thấp ven sông để góp phần giảm nhẹ tình trạng ngập lụt đô thị.
Đô thị hóa nhanh làm cho diện tích đất nông nghiệp nhanh chóng bị thu hẹp, vì vậy theo định hướng đến năm 2025, quy hoạch phát triển các công viên cây xanh và mảng xanh đô thị dự kiến là 14.688,64ha (tăng so với năm 2009 là 869,37ha) và sẽ giảm được 114.139 tấn CO2. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các hồ điều tiết vừa và nhỏ cộng với diện tích mảng xanh đô thị được quy hoạch tăng lên đáng kể sẽ làm cho nhiệt độ xung quanh giảm từ 3 đến 50C, khi đó việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng sẽ có hiệu quả hơn.
Hiện nay, việc tập trung vào các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị cũng đã được Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TPHCM phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng và phát hành Sổ tay hướng dẫn Quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP và tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý đô thị của UBND các quận, huyện và các tổ chức cá nhân hành nghề quy hoạch. Quyển cẩm nang này là một trong các sản phẩm được đúc kết từ các nghiên cứu hợp tác giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Trường Đại học Kỹ thuật Cottbus trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Megacity TPHCM và là một phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TPHCM đang nghiên cứu xây dựng và triển khai giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng đô thị trung tâm TP dựa trên các quy hoạch được phê duyệt tập trung vào các vấn đề chủ yếu như:
1. Việc quản lý quy hoạch đặc biệt tập trung vào quản lý, bố trí đất cây xanh và hồ điều tiết cụ thể như: Quy hoạch các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới bắt buộc phải xây dựng hồ điều tiết, phát triển mảng xanh tại những vùng đất thấp, tận dụng tối đa những vùng đất trống để tạo mảng xanh, bố trí quỹ đất phù hợp với lợi thế của từng địa phương.
2. Di dời và tập trung các cơ sở sản xuất thành từng cụm để đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận tiện về giao thông.
3. Chuyển đổi đất đã di dời các khu công nghiệp thành đất nhà ở hoặc đất công trình công cộng, đất giáo dục để khai thác có hiệu quả về phương diện môi trường.
4. Sử dụng những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, những cấu kiện lắp ghép được sản xuất ở nhà máy (bê tông đúc sẵn, cột, sàn, dầm tường…) đảm bảo độ an toàn trong xây dựng.
5. Quản lý và triển khai quy hoạch đô thị phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ban ngành ví dụ như giao thông, thủy lợi, điện, thoát nước…
6. Ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao như cơ khí, điện tử - công nghệ, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm.
NHÃ UYÊN
(Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM)
|