Quy hoạch sư phạm: Đào tạo phải gắn với sử dụng

"Quy hoạch sư phạm sẽ phải học kinh nghiệm của quân đội, công an: đào tạo gắn với sử dụng. Quyết tâm 5 năm tới sẽ quy hoạch lại đào tạo sư phạm, bảo đảm thay đổi thực trạng hiện nay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Giáo dục đại học tới đây sẽ thực hiện quy hoạch lại mạng lưới
Giáo dục đại học tới đây sẽ thực hiện quy hoạch lại mạng lưới

Trưa 11-8, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học (ĐH), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo dục đại học hiện nay chưa có sự phân tầng, xếp hạng. Nhiều trường tốt nhưng cũng nhiều trường còn hạn chế, chật vật tuyển sinh.

Trường nào yếu kém quá phải chấp nhận giải thể

“Chúng ta cần có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường. Phân tầng ĐH thì dù trường tốp trên hay tốp dưới đều có sứ mạng của mình, có sự phân khúc đại học để đáp ứng nhu cầu trình độ nhân lực của thị trường. Dĩ nhiên, trường có thương hiệu sẽ được nhiều người học, xã hội quan tâm hơn. Với những trường tuyển sinh khó khăn phải bình tĩnh để giải quyết, thậm chí phải chấp nhận xu hướng lựa chọn của người học”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Quy hoạch sư phạm: Đào tạo phải gắn với sử dụng ảnh 1 Đại diện các trường đại học dự hội nghị
Theo Bộ trưởng, giáo dục ĐH phải nhìn vào thị trường, không thể chỉ nhìn vào thị hiếu của người học và năng lực đào tạo của trường.
“Đào tạo phải theo yêu cầu thị trường. Vì thế, việc đóng ngành này mở ngành kia là chuyện bình thường, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng 4.0. Đào tạo không thể chỉ dựa vào điều kiện của trường ĐH và nhu cầu người học.  Phải thay đổi tư duy về đào tạo ĐH. Đừng lo lắng, loay hoay lo chuyện tuyển sinh không đủ. Thực tế có những trường chỉ tuyển 75-80% và dừng lại để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.

Năm học này, giáo dục ĐH quyết tâm quy hoạch mạng lưới đại học và trường sư phạm một cách căn cơ, có tính đến xu hướng của thị trường, tránh cứng nhắc, méo mó.

Thực hiện tự chủ ĐH mạnh mẽ. Các trường tự chủ nhưng phải tăng tính trách nhiệm giải trình, phải cam kết với xã hội về chất lượng.

“Các trường phải chấp nhận, nếu không bảo đảm điều kiện hoạt động thì phải giải thể, sáp nhập. Ví dụ các trường ngoài công lập đã có thời gian để khắc phục nhưng 5 năm, 10 năm cũng chưa có cơ sở trường là không chấp nhận được. Tự chủ là thuộc tính của ĐH, là mơ ước của các trường nên phải thực hiện mạnh mẽ. Những gì Nhà nước cần thì Nhà nước sẽ đặt hàng, còn những gì thị trường cần thì các trường phải bám sát để phục vụ”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ không định điểm sàn ĐH

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tới đây, các trường ĐH phải tự chịu trách nhiệm về đầu vào và tự định điểm sàn.

“Muốn thế phải rà soát thị trường, biết mình ở phân khúc nào để xác định ngành nghề đào tạo, đầu vào cho phù hợp. Tư vấn cho thí sinh thì không nên chỉ tư vấn những gì mình có thể đào tạo mà nên gắn với đào tạo theo nhu cầu thị trường. Bộ sẽ khôi phục trung tâm dự báo nhân lực nhưng chính các trường phải tự chủ động điều tra thị trường để đào tạo theo yêu cầu, điều chỉnh lại chương trình, giáo án, giảng viên... Đào tạo những ngành mà thị trường cần. Bộ sẽ không làm thay cho các trường trong vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn.

Muốn tự chủ ĐH thành công phải thay đổi quản trị ĐH. Tư duy quản trị hiện nay vẫn mang tính quản lý hành chính nhiều.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chuẩn giảng viên, giáo viên. Tự chủ ĐH không có nghĩa là tự do, mà gắn với kiểm soát điều kiện bảo đảm chất lượng, bảo đảm chuẩn đầu ra.

“Theo kế hoạch, đến 2020, các trường phải thực hiện tự chủ, vì thế các trường kể cả công lập và ngoài công lập phải chuẩn bị kỹ để triển khai. Cần thay đổi tư duy, chủ động để tháo gỡ khó khăn, không kêu ca nhiều”, ông Phùng Xuân Nhạ kiên quyết.
Về vấn đề đào tạo sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, tới đây đào tạo sư phạm phải bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm và chất lượng tốt.
“Đầu vào chỉ là một khâu của quá trình đào tạo, nhưng với sư phạm thì ngoài đầu vào còn đòi hỏi năng khiếu và kỹ năng sư phạm. Quy hoạch sư phạm sẽ phải học kinh nghiệm của quân đội, công an: đào tạo gắn với sử dụng. Quyết tâm 5 năm tới sẽ quy hoạch lại đào tạo sư phạm, bảo đảm thay đổi thực trạng hiện nay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Theo đó, phải hình thành được những trung tâm đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng, bên cạnh đó là các vệ tinh ở địa phương để bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên hiện nay.  Các trường sư phạm phải chấp nhận quy hoạch lại vì sự nghiệp chung.

Trong năm học mới này, Bộ GD-ĐT đề nghị sửa 2 luật: Giáo dục và Giáo dục ĐH để làm sao hệ thống pháp lý kiến tạo, hỗ trợ giáo dục phát triển. 
Đặc biệt, về phương thức thi và xét tuyển, Bộ trưởng khẳng định, kỳ thi, xét tuyển năm 2017 có nhiều nỗ lực, kết quả là rõ ràng. Tất nhiên vẫn còn những hạn chế, nhưng không phải đến nay mới có mà đã tồn tại từ lâu, nhưng qua ứng dụng CNTT thì đã bộc lộ rõ, vì vậy cần từng bước khắc phục.
“Năm 2018, phương thức thi sẽ ổn định như năm nay, chỉ khắc phục một số vấn đề về kỹ thuật như đề thi bảo đảm phân hóa tốt hơn”, Bộ trưởng khẳng định.
Chốt lại, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong các trường đại học đoàn kết, nhìn rõ những hạn chế yếu kém của mình để thúc đẩy chất lượng đào tạo. Các trường xác định tuyển sinh cần căn cứ yêu cầu thị trường, đẩy mạnh liên kết đào tạo với nhau cũng như với các trường đại học quốc tế. Làm sao để hóa giải dần bài toán sinh viên ra trường không có việc làm, lấy lại niềm tin của xã hội.

Tới đây, khi thực hiện tự chủ ĐH, Nhà nước sẽ đặt hàng đào tạo, không phân biệt trường công hay tư.

PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội:

“Tỷ lệ thí sinh nhập học không như kỳ vọng ở một số trường còn do nguyên nhân thị trường việc làm đã thay đổi. Kiến nghị giữ ổn định phương thức thi, xét tuyển 2017 cho năm sau nhưng cần hoàn thiện thêm một số vấn đề: cơ chế điểm ưu tiên, chuẩn hóa đề thi để phân hóa tốt hơn”.

Tin cùng chuyên mục