Quy mô đào tạo tiến sĩ tăng tới 25%

Quy mô đào tạo thạc sĩ năm học 2016-2017 là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587 (tăng 25% so với năm học 2015-2016). 
Nhiều trường đại học vẫn chưa chú trọng nghiên cứu khoa học
Nhiều trường đại học vẫn chưa chú trọng nghiên cứu khoa học

Theo Bộ GD-ĐT, quy mô giáo dục đại học đã dần ổn định hơn. Năm học 2016-2017, toàn quốc chỉ có thêm 1 cơ sở đào tạo được thành lập mới trên cơ sở đã có quyết định chủ trương thành lập của Thủ tướng Chính phủ (Học viện dân tộc); 3 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động và đều là các cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài (Trường ĐH Mỹ tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Tokyo, Trường ĐH Fulbright Việt Nam), 1 phân hiệu của ĐHQG TPHCM được thành lập tại Bến Tre.

Tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống đại học Việt Nam hiện có 235 trường đại học, học viện  (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).

Về quy mô đào tạo, năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016) nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên.

Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc khối ngành V: Toán và thống kê; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật; sản xuất chế biến; kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thuỷ sản; thú y và khối ngành III: Kinh doanh, quản lý, pháp luật.

Quy mô đào tạo thạc sĩ là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587 (tăng 25% so với năm học 2015-2016). Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các viện nghiên cứu khoa học tại thời điểm tháng 6-2017 là 1.501.

Về phát triển ngành đào tạo, trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, các cơ sở đào tạo đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường đã tập trung vào mở mới và nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực CNTT, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.

Tính từ đầu năm 2016 đến 31-7-2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, máy tính và công nghệ thông tin, khoa học xã hội và hành vi, kinh doanh quản lý, pháp luật.

Về đội ngũ, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người , tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%).

Đánh giá lại năm học 2016-1017, Bộ GD-ĐT cho rằng, giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đáp ứng quy mô tuyển sinh.

Đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên cơ hữu chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; chưa đầu tư dự báo thị trường nên các ngành đào tạo còn trùng lắp, chồng chéo trong một địa bàn...

Nhiều nơi mở ngành đào tạo vẫn dựa vào năng lực và kinh nghiệm vốn có, dẫn đến những ngành xã hội có nhu cầu thì lại thiếu. Đó là những nguyên nhân khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao.

Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc.

Năm học 2016-2017,  số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng sư phạm còn thấp (chỉ chiếm gần  3,4%). 

Bộ GD-ĐT thừa nhận, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...

Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người, chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và có độ tuổi cao nên chưa tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của một số trường ngoài công cập trong hệ thống.

Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.

Thực tế, trong quá trình triển khai Đề án đào tạo giảng viên bằng ngân sách nhà nước (Đề án 911), nhiều ứng viên từ các cơ sở đào tạo không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết khác trong khi nhu cầu giảng viên có trình độ cao là rất lớn.

Về việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh  cho sinh viên, dù đã có nhiều nỗ lực và hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo.. tuy nhiên, việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường đại học chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều sinh viên trước khi và thậm chí sau khi tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ…

Từ thực tế đó, năm học mới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Tăng cường phân luồng và định hướng  nghề nghiệp.  Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh (nâng số lượng các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc một số học phần bằng tiếng Anh), từng bước nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên theo mục tiêu của Đề án 2020.

Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín trên thế giới; đào tạo những ngành mà trường đối tác có thế mạnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên của trường; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo đục dại học…

Ngày mai, 11-8, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2016-2017. Dự kiến, nhiều vấn đề nóng của giáo dục đại học sẽ được mổ xẻ.

Tin cùng chuyên mục