Quy ước vàng

Trong những ngày này, người tiêu dùng thực phẩm châu Âu rất hoang mang về chuyện dưa chuột nhiễm khuẩn E.coli gây chết người lan nhanh khắp châu lục. Đến nay, đã có ít nhất 14 người chết và hơn 1.200 người phải nhập viện. Nhiều loại rau quả khác như cà chua và rau xà lách cũng bị buộc phải rút khỏi các siêu thị khắp châu Âu.

Trong khi Tây Ban Nha bác bỏ những nguồn tin khẳng định nguồn gốc E.coli xuất xứ từ nước này thì giới sản xuất nông sản sinh học Thụy Sĩ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do mất vệ sinh khi thu hoạch và đóng gói sản phẩm từ Tây Ban Nha. Còn giới chuyên gia trong ngành miễn dịch xác nhận phân bón hữu cơ được sử dụng phổ biến trong canh tác sinh học là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn E.coli. Đối với châu lục nổi tiếng về các quy định an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, “cuộc khủng hoảng E.coli” lần này làm ê mặt các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm vì tốc độ lây lan cực nhanh chỉ trong vài ngày.

Những vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra dồn dập trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng không thể “hồn nhiên” khi đi chợ. Mới tháng trước, bên kia bờ Đại Tây Dương, kết quả một cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu về gien Translational Genomics Research (TGR) ở bang Arizona cho biết, hầu hết các loại thịt đang được bày bán trong các siêu thị ở Mỹ chứa tới 50% các loại vi khuẩn có sức đề kháng cao với nhiều loại kháng sinh. Theo khuyến cáo của TGR, người tiêu dùng nên cẩn thận khi cầm và nấu nướng các loại thịt này vì chúng là nguồn gốc của hàng trăm ngàn vụ nhiễm độc hàng năm ở Mỹ, từ nhiễm độc da đến đường hô hấp như sưng phổi.

Tương tự, hàng loạt các vụ bê bối từ thực phẩm đến đồ chơi, hàng tiêu dùng… ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, càng khiến người tiêu dùng nâng cao cảnh giác. Mới tuần trước là vụ 46ha dưa hấu bỗng nhiên nổ tung hàng loạt ở tỉnh Giang Tô ở miền Đông mà một trong những nguyên nhân là do lạm dụng hóa chất kích thích tăng trưởng forchlorfenuron.

Trong nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh đất nước về vấn đề an toàn thực phẩm, ngày 28-5, Tòa án tối cao Trung Quốc đã yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những người sản xuất thực phẩm bẩn, cũng như những quan chức có hành vi nhận hối lộ, bao che cho những tội phạm an toàn thực phẩm. Không chỉ có thực phẩm, hồi đầu tháng này, tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cũng công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy 70% mẫu đồ chơi được chọn ngẫu nhiên ở thị trường Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Hồng Công có chứa phthalates – một loại hóa chất dùng trong sản xuất nhựa dẻo đã bị cấm sử dụng trong các sản phẩm trẻ em ở Mỹ, Canada, châu Âu.

Tin tức xấu đổ về dồn dập khiến người ta bàn nhiều đến chuyện đề ra những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh gắt gao hơn, những quy chế luật pháp để ngăn ngừa các bê bối chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thiết nghĩ cũng cần phải nhắc tới một khía cạnh cực kỳ quan trọng khác: đạo đức kinh doanh.

Nên chăng cần có một quy ước đạo đức trong việc kinh doanh, trong đó có lời tuyên thệ: “Tôi không sản xuất ra những sản phẩm mà tôi không dùng cho chính gia đình mình”. Lời tuyên thệ này cũng có thể được ngầm hiểu như một quy ước vàng cho kỹ nghệ sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục