Quyền của trẻ em

Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, trước hết cần phải chú ý đến thiết chế gia đình. Chẳng hạn, phải tuyên truyền cho cha mẹ nhận thức được “quyền của trẻ em”.  
Vụ bạo hành trẻ em ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM)
Vụ bạo hành trẻ em ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM)

Vụ bạo hành trẻ em ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) chưa nguôi ngoai, lại thêm trường hợp người thân trong gia đình giết hại bé gái mới 20 ngày tuổi ở tỉnh Thanh Hóa. Sự việc trên cho thấy, trẻ em đang phải đối diện với quá nhiều bất trắc mà phần lớn từ chính môi trường sống thân thuộc hàng ngày của các em.

Thống kê do UNICEF công bố phản ánh, mỗi năm trên thế giới có khoảng 275 triệu trẻ em từ 18 tuổi trở xuống là nạn nhân của những hành vi bạo hành, ngược đãi, lạm dụng trong chính gia đình các em đang sống, tại trường học, trên đường phố, nơi làm việc hoặc tại cộng đồng…

Điều đau lòng và khó ngờ, nơi các em bị bạo hành nhiều nhất thường trong chính gia đình. Theo lẽ thông thường, gia đình là nơi đứa trẻ sẽ có được sự che chở, bảo vệ trước những hiểm nguy của đời sống xã hội. Đồng thời, gia đình cũng chính là nơi đứa trẻ nhận được sự yêu thương, dạy dỗ và uốn nắn để có thể phát triển tròn đầy về thể chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, thực tế và cũng như những nghiên cứu cho thấy, gia đình cũng là nơi đứa trẻ dễ gặp hiểm nguy nhất. Vì sao như vậy?

Trước hết, trong xã hội hiện đại ngày nay, lối sống ẩn danh ngày càng phát triển do sự gia tăng của tính cá nhân trong đời sống xã hội. Do đó, chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau” mang nặng tính cộng đồng như ngày xưa ngày càng mai một và bị thay thế bởi lối sống “đèn nhà ai nấy sáng”. Và vì vậy, những chuyện diễn ra trong nội bộ gia đình rất ít bị sự giám sát của cộng đồng nên chuyện trẻ em bị bạo hành cũng từ đó dễ gia tăng hơn.

Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em, trước hết cần phải chú ý đến thiết chế gia đình. Chẳng hạn, phải tuyên truyền cho cha mẹ nhận thức được “quyền của trẻ em”.  Bởi lâu nay, trẻ em bị người thân bạo hành thường có suy nghĩ “vì là con cháu của họ, nên họ có quyền làm chuyện đó”. Kế đến, cần giúp phụ huynh loại bỏ lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, bởi khoảng cách từ “thương” (kiểu đó) đến hành vi bạo hành là rất ngắn. Thứ ba, thiết kế các nhóm sinh hoạt cộng đồng để giám sát và nhận biết dấu hiện bạo hành nơi các gia đình, để từ đó có những biện pháp can thiệp hữu hiệu hơn.

Tin cùng chuyên mục