“Đã hơn 200 ngày kể từ khi 219 cô gái Nigeria bị nhóm khủng bố Boko Haram bắt cóc. Cùng lúc đó là hàng trăm vụ vi phạm khác về quyền trẻ em từ Syria đến Sudan bất chấp Công ước về quyền trẻ em (CORC) được ký kết đã 25 năm”. Đó là phần mở đầu bài viết của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đăng trên trang web Huffingtonpost. Ông hiện là Đặc phái viên của Liên hiệp quốc (LHQ) về giáo dục toàn cầu. Theo ông Gordon Brown, trong những năm 1950, thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, trong những năm 1960 chống phân biệt chủng tộc, trong năm 1970 và 1980 chống lại chủ nghĩa apartheid. Giờ đã đến lúc thế giới tuyên chiến với tình trạng vi phạm liên tục các quyền của trẻ em. Đã đến lúc thế giới tuyên bố kết thúc việc lạm dụng trẻ em, nhất là trẻ em gái và đảm bảo quyền được giáo dục cho các thế hệ trẻ.
Hiện tại, 25 triệu trẻ em trên toàn thế giới phải tị nạn hoặc bị trục xuất khỏi đất nước của chính mình tại những nơi có xung đột. Tuy nhiên, hành vi vi phạm quyền trẻ em còn mở rộng ra ngoài các khu vực xung đột. Có 10 triệu trẻ em đang độ tuổi đến trường đã bị ép buộc vào cuộc sống hôn nhân, 215 triệu trẻ em bị ép buộc lao động và 32 triệu trẻ em gái bị đuổi ra khỏi trường học vì bị nhiều cách phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều phong trào bảo vệ trẻ em, trong đó có phong trào Hãy mang những cô gái của chúng ta về (Bring Back Our Girls) nhằm giải cứu các cô gái Nigeria khỏi tay Boko Haram. Điều đáng nói là đa số các phong trào này do chính những người trẻ đứng lên từ những bức xúc của mình trước tình hình vi phạm quyền trẻ em. Họ làm được nhiều việc hơn cả người lớn. Họ càng được khích lệ hơn khi trong tháng 10 vừa qua, 2 trong số các nhà vận động vì quyền lợi trẻ em là Kailash Satyarthi và Malala Yousafzai đã đồng nhận giải Nobel Hòa bình.
Đó là sự công nhận chính thức đầu tiên đối với cuộc đấu tranh vì quyền dân sự do người trẻ lãnh đạo. Điều đó nhấn mạnh sự thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến trên thế giới: Những người trẻ tuổi giờ đây đang đấu tranh cho quyền của chính mình. Giới trẻ đang tự hình thành khu vực không có tảo hôn, liên minh chống chế độ nô lệ và các nhóm quyền dân sự trên toàn thế giới, từ diễn đàn trẻ em Kamlari ở Nepal đến Phong trào Yellow của sinh viên Ethiopia.
Vì vậy, nhân kỷ niệm 26 năm ra đời (20-11-1989 - 20-11-2014) và 25 năm có hiệu lực (2-9-1990 - 2-9-2014) của CORC, nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế và bản thân ông Brown đã ra lời kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ thành lập Tòa án quốc tế xử tội phạm với trẻ em nhằm dập tắt các hành vi vi phạm quyền của trẻ em. Bên cạnh tòa án này, trẻ em và những người đại diện của các em nên có quyền kiện trực tiếp lên tòa án. Tòa án nên nhận và điều tra các kiến nghị cá nhân, độc lập theo dõi việc chấp hành CORC tại các nước thành viên.
Một hệ thống như vậy cũng sẽ dễ dàng cho phép LHQ nhanh chóng phát hiện những bất bình đẳng trong y tế và giáo dục đối với trẻ em thiệt thòi cũng như tình trạng lao động trẻ em, hôn nhân cưỡng ép và phân biệt đối xử với trẻ em gái. Hội đồng bảo an LHQ đang cần một bước đi mới mạnh mẽ hơn để đưa Tòa án quốc tế xử tội phạm với trẻ em sớm trở thành hiện thực.
KHÁNH MINH