Quyền được thông tin

Theo loan báo của truyền thông Trung Quốc, Tòa án Nhân dân tối cao nước này vừa ban hành quy định mới, nếu cơ quan hành chính từ chối cung cấp hoặc quá hạn không trả lời những trường hợp công dân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác đề nghị tìm hiểu thông tin chính quyền với cơ quan hành chính, công dân có thể kiện lên tòa án.

Dân cũng có thể kiện dù không có quyền lợi trực tiếp trong thông tin yêu cầu công khai. Nếu không công khai thông tin, chính quyền phải nêu lý do hoặc phải trình trước tòa bằng chứng chứng minh đó là thông tin mật…

Quy định trên được ban hành trong bối cảnh chính quyền các cấp nước này liên tục bị chỉ trích che đậy thông tin một số vụ bê bối liên quan đến tính mạng con người trong thời gian gần đây. Mới đây là vụ hơn 12.000 người biểu tình ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh cáo buộc chính quyền tỉnh này đã che giấu thông tin về vụ rò rỉ hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường từ nhà máy sản xuất paraxylene Phúc Giai.

Trước sức ép của dư luận, ngày 14-8, chính quyền thành phố phải lập tức ra lệnh đóng cửa nhà máy và cam kết sẽ di dời nhà máy đi nơi khác. Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây nên bất ổn xã hội ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cuộc biểu tình ở Đại Liên là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc để phản đối nạn gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, ngày 9-8, ông Trần Quý Quảng, Giám đốc Phòng Bảo vệ môi trường thị xã Trường Lạc thuộc TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đã bị đình chỉ công tác vì không cung cấp cho phóng viên thông tin về thỏa thuận bồi thường trong một vụ kiện ô nhiễm môi trường. Hồi tháng 6, báo chí cho biết chính quyền địa phương một số nơi tìm cách che giấu mức độ nhiễm độc chì ở trẻ em nước này, đồng thời không tích cực triển khai các biện pháp xét nghiệm và điều trị.

Mặc dù ngay từ đầu năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã chỉ thị chậm nhất đến cuối tháng 6-2011, 98 bộ, ngành trung ương phải công bố số liệu chi tiết về ba khoản chi tiêu công gồm mua sắm và bảo dưỡng xe, đi công tác nước ngoài và tiếp khách. Tuy nhiên, đến ngày 7-7, chỉ có ba bộ, ngành thực hiện. Do báo chí gây sức ép, đến cuối tháng 7, con số này mới được nâng lên 73 bộ, ngành. Song, theo phân tích của báo chí Trung Quốc, các bộ, ngành trung ương thường công bố thông tin vào ngày thứ sáu cuối tuần để tránh bị dư luận mổ xẻ!

Vụ tai nạn tàu cao tốc xảy ra tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang ngày 23-7 vừa qua làm 39 người đã thiệt mạng và gần 200 người bị thương đã đẩy sự tức giận của dư luận lên đỉnh điểm, khi báo chí nước này đồng loạt chỉ trích chính quyền tỉnh thiếu tính minh bạch thông tin trong lúc đối phó với thảm họa. Điều này khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 3-8 đã kêu gọi các cơ quan chính phủ cần công khai thông tin hơn.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục