Từ năm 1999, UBND TPHCM đã ký Quyết định thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Hội BVQLNTD). Đến nay, Hội BVQLNTD đã hỗ trợ hàng ngàn người tiêu dùng (NTD) đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp, dù vậy thực tế vẫn còn lắm trở ngại, hạn chế. PV Báo SGGP trao đổi với TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội BVQLNTD và luật gia Phạm Thị Việt Thu, Tổng thư ký – Trưởng Văn phòng khiếu nại của hội.
* Phóng viên: Thời gian qua, lượng hàng nhái, giả, hàng kém chất lượng… xuất hiện nhiều trên thị trường và không ít NTD đã mua phải hàng “dỏm”. Trước thực tế này hội có những hoạt động gì giúp NTD đảm bảo quyền lợi?
* Bà PHẠM THỊ VIỆT THU: Hội thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, tiếp xúc trao đổi kiến thức về tiêu dùng với người dân tại các quận, huyện. Tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân khi mua sản phẩm cần lưu ý: Không nên ham giá rẻ, phải chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, có chế độ bảo hành rõ ràng, xem kỹ những quy định về bảo hành của nhà sản xuất ghi trên phiếu bảo hành… Đối với dịch vụ, NTD phải xem xét kỹ các hợp đồng do nhà cung cấp đưa ra để tránh không bị thiệt thòi quyền lợi. Ngoài ra, khi nhận đơn nhờ can thiệp của NTD, hội sẽ đứng ra hòa giải giữa NTD và nhà sản xuất hoặc đơn vị bán hàng. Ở một số trường hợp, phía nhà sản xuất cố tình chối bỏ trách nhiệm, hội còn đại diện NTD đứng ra khởi kiện để yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại.
* Dù hội được hình thành khá lâu, nhưng nay vẫn còn nhiều người dân, khách hàng khi mua phải sản phẩm không đạt chất lượng vẫn chưa biết làm thế nào để nhờ hội can thiệp? Quy trình nhờ can thiệp như thế nào?
* Với mục tiêu là bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NTD, hội luôn đáp ứng nguyện vọng của NTD. Nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng, đã khiếu nại với đơn vị bán hàng mà không được đáp ứng, tức quyền lợi bị xâm phạm, NTD nên trực tiếp đến Văn phòng khiếu nại NTD – Hội BVQLNTD (số 263 Điện Biên Phủ, phường 7 quận 3; số điện thoại: 08.39307204; địa chỉ e-mail: www.hointd_hcm@gmail.com), nhận mẫu đơn và điền thông tin cần thiết. Văn phòng tiếp nhận đơn và sẽ xếp lịch mời đơn vị bán hàng hoặc nhà sản xuất hay cung ứng dịch vụ đến văn phòng, tổ chức hòa giải với NTD. Nếu kết quả hòa giải không thành, hội sẽ đại diện NTD khởi kiện nhà sản xuất ra tòa.
* Khó khăn hiện nay hội gặp phải và kiến nghị của hội đối với các cơ quan cấp trên?
* Tiến sĩ NGUYỄN MỘNG HÙNG: Khó khăn lớn nhất hiện nay của hội là kinh phí để hội tồn tại và hoạt động. Kinh phí để hội thực hiện các hoạt động giúp NTD đảm bảo quyền lợi trong hơn 20 năm qua là từ nguồn vận động, tài trợ từ các doanh nghiệp, ngân hàng… Căn cứ vào Điều 29, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD do Quốc hội ban hành năm 2010 “khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật”, hội nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND TP hỗ trợ kinh phí để hội hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, đến nay hội vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào. Kinh phí không có, hội không có điều kiện hoạt động, người thiệt hại chính là NTD. Thiết nghĩ, UBND TPHCM cần xem xét, cân nhắc lại vấn đề này, bởi lẽ bảo vệ quyền lợi NTD là việc làm chính đáng, rất cần được Nhà nước quan tâm để tránh thiệt thòi cho người dân, đồng thời giúp nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Nếu như không nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ thành phố, trong tương lai gần Hội BVQLNTD có nguy cơ bị giải thể.
TUẤN VŨ thực hiện