Quyền lực mềm

Hệ thống phân phối tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn còn đặc điểm của một nền thương nghiệp quy mô nhỏ. Cùng với quá trình thực hiện các cam kết quốc tế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường phân phối đã có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đến từ các nước thành viên WTO và hình thức phân phối cũng sẽ phát triển đa dạng, phong phú.

Trong bối cảnh đó, yếu tố quyết định sự tồn tại của mạng lưới phân phối trong nước chính là ý thức liên kết của các DN và vai trò hỗ trợ của nhà nước. Sự liên kết giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối VN cùng với ý thức thay đổi phương thức kinh doanh sẽ giúp họ tập hợp thành một khối, đủ sức đối trọng với các nhà phân phối nước ngoài. Nhà nước bên cạnh việc tạo môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, cần có những quyết sách để tập hợp các DN nhỏ lẻ thành hệ thống vững mạnh và có thể tác động, định hướng để xử lý kịp thời những biến động bất thường trên thị trường.

Thị trường bán lẻ của VN sau 5 năm gia nhập WTO đã hội đủ mặt anh tài trên thế giới (trừ Tesco (Anh) và Wal-Mart (Mỹ) chưa đầu tư vào VN). Trong khi đó, đến cuối năm 2011, VN mới chỉ có 615 siêu thị; 102 trung tâm thương mại và hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi. Do vậy, việc xây dựng hệ thống phân phối theo mô hình văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đã trở thành vấn đề sống còn đối với các DN nói riêng, của nền kinh tế nói chung.

Tại VN, sức mạnh của các nhà bán lẻ cũng đã được minh chứng. Liên tục trong những năm gần đây, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, giá cả hàng hóa tại các chợ tăng vô tội vạ thì tại các siêu thị, nếu mỗi nhãn hàng yêu cầu tăng giá sẽ phải giải trình hoặc đàm phán với nhà phân phối để từ đó thỏa thuận mức tăng theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Sự vào cuộc kịp thời của các hệ thống siêu thị khi đưa mặt hàng bột ngọt Vedan ra khỏi quầy kệ vì gây ô nhiễm môi trường, cho thấy họ hoàn toàn có quyền từ chối những sản phẩm không đáp ứng được chuẩn mực đạo đức của nhà sản xuất…

Kinh nghiệm các nước trong khu vực cho thấy, theo thời gian hầu hết các nhà sản xuất đều từng bước phụ thuộc vào các DN phân phối. Thực tiễn tại TPHCM thời gian qua cũng diễn ra tương tự, phần lớn nhà sản xuất VN đều “lép vế” khi đàm phán với các nhà phân phối nước ngoài. Những nhà sản xuất nhỏ lẻ rất khó đưa hàng vào siêu thị của các DN phân phối có thương hiệu. Để đưa hàng vào, nhà sản xuất bị buộc phải đáp ứng các điều kiện về chiết khấu, tín dụng, khuyến mãi, giao hàng, ví dụ: phải chiết khấu cao (từ 8% đến hơn 20%) để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho siêu thị; bị buộc phải dán nhãn của siêu thị trên sản phẩm thay vì dán nhãn của DN sản xuất… Đó là mặt trái của ngành bán lẻ trong tiến trình toàn cầu hóa.

Việc xây dựng, phát triển và nắm được mạng lưới bán lẻ không chỉ giúp bình ổn thị trường, điều tiết được hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo biên giới mềm để ngăn chặn hàng chất lượng kém, hàng gian, hàng giả. Quyền lực mềm của phân phối là vậy. 

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục