Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 là bước ngoặt lịch sử mở ra một thời đại mới - thời đại nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Bác Hồ đã quan tâm xây dựng nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là nhà nước mà “mọi quyền lực đều ở nơi dân” vận hành theo nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Nhờ vậy đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Trong thời kỳ xây dựng đất nước, cơ chế tổng thể vận hành hệ thống chính trị “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được xem là định hướng cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương, định hướng chính sách…, qua việc trực tiếp tác động vào những khâu trọng yếu như công tác tư tưởng, cán bộ, kiểm tra, qua việc chỉ đạo mọi đảng viên gương mẫu thực hiện và chủ trì phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị.
Nhà nước quản lý bằng xây dựng hệ thống pháp luật, bằng những công cụ quản trị, điều hành, bằng tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức thi hành công vụ. Nhân dân làm chủ bằng Hiến pháp, luật pháp và quy ước cộng đồng, bằng việc chọn người xứng đáng để ủy nhiệm thực thi quyền lực nhà nước, đồng thời thường xuyên giám sát, tham gia xây dựng nhà nước…
Ngày nay, đất nước thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, ổn định và hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, luôn nỗ lực trong vai trò của một thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, trước những cơ hội, thách thức, trước những đòi hỏi của sự phát triển, Đảng phải tiếp tục đổi mới cả về phương thức lãnh đạo, về hoàn thiện hệ thống chính trị... Nghị quyết TƯ 4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã chỉ ra những yếu kém, những nhóm giải pháp khắc phục, và theo đánh giá sau một năm thực hiện, đã có sự chuyển biến nhưng kết quả mới là bước đầu, cần phải tiếp tục nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm, yếu kém; tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách và các chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ. Những cải cách liên quan đến tổ chức, bộ máy nhà nước vừa qua đã có những tiến bộ nhất định nhưng chưa đáp ứng, cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nhất là khắc phục sự chồng chéo, không thực quyền, không rõ trách nhiệm, những biểu hiện quan liêu, xa dân mà trong thực tế đã có những chủ trương không phù hợp, gây phản cảm.
Kết luận của Hội nghị TƯ 7 về tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đây còn là thông điệp quan trọng đối với thế giới về chủ trương đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế chung khi tình hình thế giới đang phát triển nhanh chóng và phức tạp. Vấn đề đặt ra khi sửa đổi Hiến pháp đó là việc làm cho đất nước vừa ổn định, vừa đổi mới, vừa đảm bảo độc lập tự chủ, vừa hội nhập quốc tế.
Việc lắng nghe góp ý của nhân dân cần theo tinh thần của Bác khi công bố dự thảo Hiến pháp đầu tiên đăng trên báo Cứu quốc ngày 10-11-1945 là: “muốn cho nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà, nên chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình” bởi chủ thể Hiến pháp là nhân dân. Hiến pháp được thông qua lần này sẽ tạo điều kiện cho các chế định phù hợp với tình hình mới, trong đó có chính quyền địa phương nhằm nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ dân.
Quyền lực nhà nước là lớn nhưng quyền lực nhân dân còn lớn hơn. Nhận thức, ý thức đầy đủ vai trò, sức mạnh, quyền lực nhân dân, những công bộc của dân, những người được dân ủy quyền sẽ phải học tập, rèn luyện, làm việc có hiệu quả, sẽ hành xử, ứng xử lễ độ với dân. Chỉ có đặt lợi ích của dân lên trên, đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, thần kỳ như bài học của Cách mạng Tháng Tám.
PHẠM PHƯƠNG THẢO