Trong truyền thông đại chúng hiện nay, “binh chủng” truyền hình là một trong những mũi nhọn xung kích và có uy lực mạnh mẽ. Thậm chí, tại nhiều cuộc họp, hội thảo, tổng kết công tác, gặp gỡ quan trọng nếu chưa có truyền hình đến là chưa thể khai mạc tuy đã đến giờ. Điều đó nói lên vị thế của thể loại báo hình ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Ngành truyền hình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, góp phần không nhỏ vào việc chăm lo xây dựng nền tảng đạo đức tinh thần của xã hội. Nhiều nhà đài còn hợp tác với nhau trao đổi các chương trình, nối - tiếp sóng thành những vệt, đợt tuyên truyền cổ động khá hiệu quả, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng chính sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội dành cho truyền hình mà cơ quan báo hình này luôn được chăm sóc kỹ, có khi được để ý từng li từng tí một. Tiếng khen nhiều nhưng lời chê không ít. Người xem phê phán và mong mỏi ngành truyền hình củng cố, chấn chỉnh những chương trình gây phản cảm, phản ánh không đúng sự thật, nhạt nhẽo, không phù hợp với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà đất nước ta đang ra sức xây dựng…
Truyền hình là một trong những công cụ tuyên truyền sắc bén nên không thể dễ dãi, qua loa khi thờ ơ cho phát một số chương trình kém chất lượng, có những tình tiết xa lạ với văn hóa dân tộc, xa rời thực tế cuộc sống, thiếu thẩm mỹ, khiên cưỡng, chắp vá, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm dày đặc trên truyền hình như trấn áp người xem! Không hiếm những khi người xem như bị ép phải xem những đoạn video clip quảng cáo vô duyên, gượng gạo ngay trong một bộ phim hay, hoặc xen giữa một chương trình giải trí hấp dẫn, giàu ý nghĩa xã hội. Tâm trạng khán giả lúc ấy như cảm thấy không được tôn trọng nhưng phải rán chịu đựng. Chúng ta có thể nhận thấy nhiều điều tiếng của không ít nhà đài, từ vi phạm bản quyền phát sóng bộ phim Mỹ Collateral (Nhân chứng cuối cùng) trước đây đến những vi phạm khác như nhiều nội dung và hình thức quảng cáo chưa được xét duyệt nghiêm túc, cá biệt một số quảng cáo có nội dung không phù hợp với phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc; hoặc chưa có hình ảnh, tiếng nói, chữ viết để phân biệt mục quảng cáo với nội dung chương trình truyền hình.
Ngoài ra, việc quy định một số nhà tài trợ không được treo, đặt, dán, dựng quá 2 sản phẩm quảng cáo trong các chương trình vui chơi giải trí chưa được một số nhà đài thực hiện nghiêm túc. Thậm chí có lúc trong chương trình truyền hình trực tiếp cuộc thi ca hát, nhà đài để giám khảo, thí sinh tha hồ nói năng tùy tiện, thiếu nghiêm túc, gây phản cảm đến mức cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã phải nhắc nhở: “Các cuộc thi cần lựa chọn những thành viên ban giám khảo đủ trình độ về chính trị và chuyên môn, có quy chế làm việc chặt chẽ, nghiêm túc”.
Cần khẳng định rằng, dù xem truyền hình trả tiền hay không trả tiền thì người dân vẫn có quyền đòi hỏi được thưởng thức những chương trình có chất lượng, thể hiện tính văn hóa và thẩm mỹ, góp phần nâng cao tư tưởng tình cảm tốt đẹp của mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Người dân đóng thuế để bảo vệ và phát triển đất nước, trả lương cho bộ máy chính quyền phục vụ quốc kế dân sinh nên có quyền đòi hỏi được tôn trọng và được phục vụ chu đáo, kể cả quyền được xem những chương trình truyền hình chất lượng cao.
Sức mạnh của truyền hình sẽ còn phát huy tác dụng tích cực hơn nữa, khi được đông đảo người xem góp ý phê bình để màn ảnh nhỏ luôn là nơi đáng tin cậy nhất về thông tin thời sự, cổ vũ mô hình mới trong cuộc sống, bồi dưỡng trí tuệ, nhân lên những tấm lòng tốt và thật sự là nơi cung cấp những món ăn tinh thần bổ dưỡng, góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam phát triển bền vững.
Xuân Thái