Quyền và văn hóa khán giả

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, văn hóa ứng xử của khán giả đang đặt ra những vấn đề thiết thực.   
Ca sĩ Phương Thanh đã có cách xử trí thông minh khi từng bị khán giả ném đồ khi đang biểu diễn
Ca sĩ Phương Thanh đã có cách xử trí thông minh khi từng bị khán giả ném đồ khi đang biểu diễn
Quyền lực khán giả

Phát biểu tại hội thảo Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu mới đây, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của khán giả. Bà khẳng định: “Trong bối cảnh nhà nước không còn tài trợ làm phim, khán giả chính là nhà tài trợ lớn nhất của những người làm nghệ thuật”. Khán giả là người bỏ tiền mua vé xem phim hay trả tiền sử dụng các dịch vụ nghe, xem theo yêu cầu đang nở rộ hiện nay.    

Cũng nói đến quyền lực khán giả, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) cũng đưa ra một bằng chứng đầy thuyết phục. Ông cho biết, từ hơn 10 năm trước, phim Việt hóa đã vào Việt Nam nhưng không được đánh giá cao và cũng không mấy thành công. Khi lý giải nguyên do, ông nói: “Khán giả chưa được chuẩn bị tâm lý để xem một bộ phim kịch bản Việt hóa từ nước ngoài vì hình thức này còn mới, quá lạ lẫm. Thử hình dung, phim Người phán xử (bản quyền từ Israel) mà chiếu cách đây 5, 7 năm thì sẽ thế nào? Chưa kịp xem phim khán giả đã nêu thắc mắc: Ủa, đời sống, văn hóa, xã hội Việt Nam với Israel có gì “ăn nhập” đâu nhỉ?”. Nói đến đây để có thể kết luận, phim truyền hình nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung, không có khán giả sẽ chẳng thể tồn tại, chứ chưa nói đến sự bùng nổ các hình thức mới.  

Nhìn vào thực tế hiện tại của nền điện ảnh, truyền hình và âm nhạc nước nhà, nếu tham chiếu vai trò của khán giả sẽ càng thấy đúng hơn bao giờ hết. Năm 2015, điện ảnh Việt có những bước tiến vượt bậc doanh thu đạt gần 100 triệu USD thì bước qua 2016, theo số liệu, mức doanh thu đã giảm 30%. Các nhà quản lý, nhà làm phim, đơn vị phát hành đều có chung nhận định, khán giả bây giờ khắc khe và chọn lọc kỷ hơn, khi các bộ phim không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu và gu thẩm mỹ ngày càng cao của người xem, đã lần lượt chết ngay trên sân nhà. Sự bùng nổ trở lại, đặc biệt với doanh thu đạt rất cao của Em chưa 18 đã cho thấy khán giả chính là người quyết định.  

Tương tự, với các phim truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế hay gameshow, tỷ suất của người xem có tác động gần như tiên quyết đến số lượng, tần xuất quảng cáo - nguồn sống chính hiện nay của mỗi chương trình. Tương tự, ở lĩnh vực âm nhạc, khán giả là người góp phần tạo nên ngôi sao, có thể đưa ca sĩ, nghệ sĩ đến vinh quang, hoặc sụp đổ hoàn toàn chỉ sau một đêm nếu phạm lỗi lầm. Các trường hợp gần đây bị tẩy chay như các nghệ sĩ M.B., T.T., chương trình “Siêu sao đoán chữ”… là ví dụ điển hình.  

Chạnh lòng với văn hóa khán giả

Đạo diễn Hồng Ánh nhắc lại một câu chuyện không mới nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Sau khi bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ra rạp, trên mạng xuất hiện vô số những bản phim được phát tán, thậm chí được làm cả phụ đề tiếng Pháp (dù phụ đề gốc của phim bằng tiếng Anh). Nữ đạo diễn cũng nơm nớp lo sợ bộ phim Đảo của dân ngụ cư khi ra rạp cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Đó là một nỗi sợ thường trực của ê kíp và chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ sản phẩm của mình”, chị chia sẻ. 

Xét ở góc độ văn hóa, việc vi phạm bản quyền thuộc về ý thức của khán giả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định của pháp luật, các hình thức xử lý có thể từ phạt hành chính cho đến việc áp dụng các chế tài về mặt dân sự và cao nhất là hình sự. Điều đó có nghĩa, một hành vi tưởng chừng chỉ liên quan đến văn hóa ứng xử nhưng nhìn nhận một cách nghiêm khắc, đó là một hình thức phạm tội. 

Không ít trường hợp các nghệ sĩ khi đang biểu diễn bị khán giả phản ứng bằng cách ném đồ vật, thậm chí lên tận sân khấu tấn công, sàm sỡ. Mỗi nghệ sĩ phản ứng theo một cách khác nhau, có người cho đó là “món quà” khán giả tặng, một số khác tỏ ra khá giận dữ, thậm chí bỏ diễn như trường hợp cách đây không lâu của nghệ sĩ Trường Giang. Khoan hãy nói đến ứng xử của nghệ sĩ, mà mỗi khán giả cần xây dựng cho mình ý thức tôn trọng người của công chúng, đó mới là ứng xử của khán giả có văn hóa.  

Cùng với sự phát triển của xã hội, xu hướng và cách thức tiếp cận của khán giả đối với các loại hình giải trí luôn có sự dịch chuyển. Khán giả có quyền lựa chọn hay tẩy chay các nghệ sĩ, cũng như các tác phẩm nghệ thuật, chương trình giải trí. Tuy nhiên, xét ở bất cứ phương diện, thời điểm nào, văn hóa ứng xử cũng cần được xây dựng dựa trên những nền tảng cơ bản.

Tin cùng chuyên mục