Quyết định 36 mở nhưng còn…vướng!

Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Trung ương và sự triển khai của TPHCM ở 6 xã điểm đạt được nhiều hiệu quả lạc quan. Trong đó, nâng cao thu nhập trở thành tiêu chí hàng đầu. Bởi đời sống người dân có khá lên, giảm khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn với thành thị thì việc xây dựng NTM mới xem là thành công.

Muốn nâng cao thu nhập thì việc tổ chức lại sản xuất là yêu cầu đặt ra. Nhưng để tổ chức lại sản xuất thành công, bên cạnh quy hoạch đất đai rõ ràng để dân yên tâm sản xuất, cùng với việc đào tạo nghề cho người dân nông thôn thì vấn đề hỗ trợ vốn vay là khâu không thể thiếu để tạo điều kiện cho bà con sản xuất. Chính vì điều này, tháng 6-2011, UBND TPHCM ra Quyết định 36 (thay thế Quyết định 105 trước đó) nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn TP theo hướng hình thành nền nông nghiệp đô thị, phát triển hiệu quả và bền vững.

Quyết định 36 tạo nhiều điều kiện và mở rộng đối tượng vay vốn, không chỉ hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân trực tiếp sản xuất mà còn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc sơ chế sản phẩm nông nghiệp nói chung đều được hưởng mức hỗ trợ 100% lãi suất vay.

Có thể nói, đây là quyết định kịp thời để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất ở những xã đã và sẽ xây dựng NTM. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là tình trạng những hộ dân nghèo ở các xã có nguy cơ không được vay vốn ưu đãi trên. Vì trước đây những hộ này đã vay vốn ngân hàng để sản xuất nhưng bị thất bại do dịch bệnh như nuôi tôm ở xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, chăn nuôi ở xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh… Bây giờ ngân hàng không thể cho vay tiếp để sản xuất dù Quyết định 36 mở rộng khá nhiều. Hầu hết những hộ này đều khó khăn ở nông thôn, không thể thoát nghèo nếu như không vay được vốn của ngân hàng. Khi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, lãnh đạo các xã xây dựng NTM Tân Nhựt, Lý Nhơn… đều phản ánh tình trạng này. Chính quyền địa phương và người dân mong sẽ có một cơ chế để gỡ vướng, để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn sản xuất, thoát nghèo.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục