Quyết liệt chống hạn, ngăn mặn

Bây giờ chưa phải là cao điểm của mùa hạn, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên năm nay tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm hơn một tháng. Những ngày này, mặn đổ vào sông rạch rất mạnh do triều cường và nước biển dâng. Ở các tỉnh duyên hải ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… mặn đã xâm nhập sâu vào sông Tiền, sông Hậu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Mỹ Thanh và các con sông khác từ 30 - 60 km. Mặn lấn sâu vào nội đồng, tấn công những kênh mương đã được ngọt hóa, những cánh đồng lúa màu, những ao tôm, đìa cá, gây thiệt hại không nhỏ đối với của cải của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa đông-xuân và gieo sạ vụ lúa hè-thu.

Tình trạng xâm nhập mặn còn tác động, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của bà con. Ở Hậu Giang - một vùng ngọt hóa từ hàng chục năm nay, vậy mà bây giờ mặn đã chảy vào thành phố Vị Thanh (cách biển 60 - 70 km). Từ trước Tết Nguyên đán tới nay, người dân các vùng ven biển ở Ba Tri (Bến Tre), Gò Công (Tiền Giang), Duyên Hải (Trà Vinh), Vĩnh Châu, Trần Đề (Sóc Trăng)… đã phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá cao. Các vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, những cánh đồng chó ngáp ở Bạc Liêu, Cà Mau… khô khát, đất nứt toác vì nắng gió. Rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim… đều hạn nặng và đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao. Mưa trái mùa rải rác mấy ngày qua tuy phần nào giải tỏa được những “cơn khát” cục bộ, nhất thời nhưng chẳng thấm vào đâu so với trời nắng như thiêu đốt trong thời gian sắp tới.

Việc làm mang tính cấp bách của các địa phương ĐBSCL là quyết liệt phòng chống hạn mặn để bảo vệ mùa màng, rừng và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng của hạn mặn, địa phương tổ chức đóng cống, đập ngăn mặn hợp lý; tích cực nạo vét kênh mương cũ, làm kênh mương mới, đắp đê, phân chia lằn ranh giữa 2 vùng mặn - ngọt để tạo thuận lợi cho sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Mặt khác, nhanh chóng kết thúc thu hoạch vụ lúa đông-xuân muộn và tích cực chuẩn bị xuống giống vụ hè-thu. Viện Lúa ĐBSCL đã lai tạo thành công các giống lúa chịu mặn để cung ứng cho nông dân các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn, mặn để sản xuất thắng lợi.

Quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… cần tổ chức, cử người canh giữ rừng 24/24 giờ; cấm những người không có trách nhiệm vào rừng ăn ong, bắt tôm cá để đề phòng “giặc lửa”. Mọi phương tiện cho phòng chống cháy rừng đều đã sẵn sàng. Bài học xương máu từ những vụ cháy rừng mấy năm qua cho thấy cháy rừng không chỉ gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân mà còn làm ô nhiễm môi trường sinh thái trong một thời gian dài. Tình thế hiện nay đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể của Trung ương và địa phương cần sát cánh phòng chống hạn, ngăn mặn để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Lê Bình

Tin cùng chuyên mục