Quyết liệt hơn, thực chất hơn

Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2011, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh đưa ra thông điệp hết sức ngắn gọn, có thể xem như một lời hứa về việc theo dõi, giám sát cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ: “Các đồng chí yên tâm, lần này chúng tôi làm cẩn thận hơn năm 2008. Chắc chắn là như vậy”.

Chú tâm theo dõi tiến trình cắt giảm đầu tư công năm 2008, người ta mới hiểu được tại sao Thứ trưởng Cao Viết Sinh khẳng định như vậy. Năm 2008, một chương trình cắt giảm đầu tư công cũng đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc để đối phó với tình hình lạm phát leo thang. Trong số ba khoản chi chính của ngân sách (gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi trả nợ), trừ khoản trả nợ, hai khoản chi còn lại trong năm 2008 - theo kế hoạch - đều phải cắt giảm mạnh mẽ.

Thế nhưng, bản báo cáo trình Quốc hội phê duyệt quyết toán ngân sách năm 2008 đã chỉ rõ, chi ngân sách nhà nước trong năm tài khóa vượt dự toán 13,5% (tương đương 53.786 tỷ đồng), trong đó nhiều khoản chi vượt khá lớn. Trong đó, chi ngân sách trung ương tăng hơn 13% (tăng 27.968 tỷ đồng) so với dự toán, chi ngân sách địa phương tăng gần 14% (25.818 tỷ đồng). Riêng chi đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán (tương đương khoảng 119.500 tỷ đồng). Có tới 40 bộ, ngành, được bố trí 11.706 tỷ đồng, không cắt giảm được công trình, dự án nào; một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Lâm Đồng không thực hiện công tác rà soát, cắt giảm các dự án công! Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong đó có ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) - một chuyên gia hàng đầu về tài chính công và ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đã thẳng thắn đặt câu hỏi ngay tại kỳ họp QH lúc đó về hiệu quả thực sự của chương trình cắt giảm đầu tư công.

Yêu cầu cắt giảm đầu tư công để ổn định vĩ mô, chống lạm phát là chủ trương đúng đắn, kịp thời. Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó nêu bật quan điểm: “Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, không quá bị ràng buộc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhiệm vụ cắt giảm đầu tư công lần này được thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả, trong khi vẫn dành sự quan tâm thích đáng cho những dự án đảm bảo an sinh xã hội hoặc công trình có thể hoàn thành sớm đưa vào sử dụng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm đầu tư công năm 2011 có một số điểm mới so với năm 2008. “Chính phủ không coi cắt giảm đầu tư công là giải pháp tình thế, mà đặt nó trong lộ trình dài hạn và biện pháp tổng thể. Nói cách khác, cắt giảm đầu tư công năm 2011 không chỉ là cắt giảm để chống lạm phát mà còn là rà soát toàn diện tính hợp lý, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, qua đó tái cấu trúc nền kinh tế” - TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, nhận định. Bên cạnh đó, các nguyên tắc và tiêu chí cắt giảm đầu tư công lần này đã được xác định và hướng dẫn rất cụ thể đến các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các chế tài mạnh mẽ hơn (kể cả việc thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác), hy vọng tiến trình cắt giảm đầu tư công năm 2011 sẽ có bước chuyển biến cả về lượng và chất so với năm 2008, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trước mắt là kiềm chế “bão giá” một cách hiệu quả.

Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục