Khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

Quyết liệt khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội sáng 22-10. Trước khi bước vào kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội cùng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm và đặt hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải) và các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Điền
Quyết liệt khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội sáng 22-10. Trước khi bước vào kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội cùng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm và đặt hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải) và các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải) và các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Minh Điền

Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, năm 2012, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Ở trong nước, sự trì trệ của nền kinh tế đang hiển hiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp; nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; quản lý thị trường, quản lý giá đối với một số mặt hàng chưa tốt, tác động tiêu cực đến đời sống người dân… Trên thế giới, suy giảm tăng trưởng kinh tế có xu hướng lan rộng; khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa lắng dịu; tranh chấp thương mại, xung đột kinh tế, chính trị có dấu hiệu gia tăng… “Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao, có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển bền vững cho các năm tiếp theo” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp

Chủ tịch QH cho biết, thực hiện Nghị quyết của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện một số cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ kỳ họp QH. Chủ tịch QH đề nghị các vị ĐBQH nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Tình hình khó khăn của nền kinh tế tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trong ảnh: May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng

Tình hình khó khăn của nền kinh tế tiếp tục là vấn đề được quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trong ảnh: May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng

Chưa nghiêm trị hành vi tham nhũng

Báo cáo với QH tại phiên họp sáng 22-10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng trên nhiều phương diện. Các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, đang từng bước phát huy tác dụng. Đặc biệt, việc phát hiện, truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ, nhìn chung công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Đồng tình với nhận định nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, một nguyên nhân quan trọng hạn chế kết quả của phòng, chống tham nhũng là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chưa được sửa đổi như chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; kê khai, minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, công chức, viên chức; trả lương, thu nhập khác qua tài khoản... Việc phát hiện tham nhũng và kiến nghị xử lý về hình sự thông qua công tác thanh tra năm qua tăng về số vụ nhưng lại giảm về số đối tượng. Số vụ việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn thấp; đa số các vụ án tham nhũng điều tra còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, phải đình chỉ vụ án hoặc chuyển, thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn.

Qua nhiều năm theo dõi, giám sát công tác này, thực trạng rất đáng lưu ý là trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng; việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị sau kết luận của thanh tra, kiểm toán chưa nghiêm.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tới đây, cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng; có biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm toán.

Khuyến khích cán bộ tín nhiệm thấp từ chức

Chiều 22-10, QH đã nghe Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết nêu trên. Theo dự thảo, QH, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức hoặc QH xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị quyết dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.

Theo chương trình, sau khi thảo luận tại tổ, ngày 10-11, QH sẽ họp phiên toàn thể để thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết này. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Anh Thư


Nợ xấu, hàng tồn kho làm tắc nghẽn chu chuyển nguồn lực quốc gia

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét. Việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn. Sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục. Diễn biến giá cả mặc dù chỉ xảy ra trong tháng 9 nhưng đòi hỏi cần chỉ đạo ngăn ngừa lạm phát cao có thể quay trở lại cuối năm và trong năm 2013.

Chính phủ cần phân tích rõ và thuyết phục hơn về kết quả tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước trong bối cảnh các thị trường đều giảm sút, doanh nghiệp giải thể nhiều. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá toàn diện, đầy đủ thực trạng tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đánh giá sự tác động đến tăng trưởng, việc làm trong thời gian tới, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hữu hiệu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này. Từ nay đến Tết Âm lịch, Chính phủ cần khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng hóa tồn kho và nợ xấu; chỉ đạo rà soát tính chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ; sớm hoàn thành việc rà soát lại các công trình đầu tư dở dang đang bị giãn, hoãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án trọng yếu...

Xu hướng khó khăn của nền kinh tế nước ta sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình một cách linh hoạt với liều lượng hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ mặt bằng lãi suất hợp lý theo diễn biến kiểm soát lạm phát. Phân bổ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản theo đề án tái cơ cấu đầu tư công, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ các dự án, công trình đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tăng tiêu thụ các vật tư hàng hóa nhất là vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, thiết bị điện...

L.Nguyên

>> Toàn văn báo cáo của chính phủ về tình hình KT-XH 2012 và nhiệm vụ 2013

* “Về thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu chung, do cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 rất khó khăn, chưa bố trí được nguồn, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tính toán cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện ngay khi có điều kiện, trước hết là đối với người có công, cán bộ hưu trí”.

* Một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2013

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 8%; nhập siêu khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP; tạo việc làm mới khoảng 1,6 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

>> Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tin cùng chuyên mục