(SGGPO).- Chiều 24-8, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức buổi tọa đàm về “Tác hại phân bón giả đối với vựa lúa ĐBSCL”.
Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay đã tiến hành kiểm tra và lấy khoảng 786 mẫu phân bón các loại. Qua xét nghiệm cho thấy 69% mẫu đạt yêu cầu, 31% mẫu có vấn đề như kém chất lượng, hàng giả… đa số các mẫu không đạt rơi vào các công ty nhỏ, cơ sở sản xuất phân bón chưa có tên tuổi, thương hiệu. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thị trường phối hợp các ngành liên quan kiểm tra 1.800 cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, phát hiện 421 vụ vi phạm, xử phạt khoảng 8 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là thủ đoạn sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện… Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho rằng: “Thời gian qua, phân bón giả xuất hiện ở nhiều nơi, trong đó vùng ĐBSCL là khá phổ biến, bởi đây là vùng sản xuất lúa gạo, trái cây… trọng điểm của cả nước, vì thế cần số lượng phân bón rất lớn. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng luôn được kiểm tra thường xuyên, nhưng chưa thể xử lý dứt điểm được, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau”.
Ảnh: Nông dân ĐBSCL khó phân biệt được phân bón giả, do sản xuất tinh vi
TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, cảnh báo: “Phân bón giả không chỉ làm thiệt hại tiền bạc của nông dân vùng ĐBSCL, mà nó còn ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây trồng; tác hại về ô nhiễm môi trường và nhất là gây ảnh hưởng uy tín cho nông sản nước ta khi xuất khẩu ra thế giới. Do đó, ngăn chặn, loại trừ phân bón giả là vấn đề cấp bách”. Để hạn chế phân bón giả “len lỏi” vào các đồng ruộng ở ĐBSCL. TS Mai Thành Phụng đề xuất, các tỉnh cần đẩy mạnh việc liên kết nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã… để xây dựng mô hình sản xuất “cánh đồng lớn”. Khi sản xuất lớn thì hợp tác xã sẽ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có thương hiêu, tên tuổi, uy tín… để mua hàng số lượng lớn, đảm bảo chất lượng. Cách làm này, cũng tránh việc nông dân mua phân bón nhỏ lẻ, mua phân không rõ nguồn gốc… sẽ dễ bị giả, khiến “tiền mất, tật mang”. PGS.TS Trần Kim Tính, chuyên gia về đất và phân bón, thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Cùng với việc tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng; đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân biết, phân biệt được đâu là phân giả, phân kém chất lượng… Vấn đề khá quan trọng là có biện pháp quản lý về trách nhiệm của các đại lý kinh doanh phân bón. Cần thấy rằng, hầu hết nông dân ở ĐBSCL khi mua phân bón đều qua các đại lý lớn hay đại lý nhỏ. Nông dân nói bón lúa, bón cho cây ăn trái, rau màu… thì đại lý gần như quyết định việc bán loại phân nào, giá cả bao nhiêu; thậm chí phân thật hay giả thì nông dân cũng khó biết. Tóm lại, đại lý giống như “thầy lang” bổ thuốc cho người bệnh ở nông thôn vậy. Nếu đại lý làm ăn đàng hoàng, trách nhiệm, không tiêu thụ phân giả, phân kém chất lượng thì các đơn vị sản xuất phân giả sẽ khó tồn tại…”.
NGUYỄN THANH