Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 17 tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm, với chủng virus chủ yếu là cúm A/H5N1. Trước tình hình cúm A/H7N9 áp sát biên giới, có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cũng đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm, có khả năng lây lan sang người, tạm dừng nhập vào Việt Nam gia cầm và sản phẩm gia cầm sống dưới mọi hình thức; tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm triển khai rốt ráo hơn công tác phòng, chống dịch.
Điều đáng nói là trong khi các bộ, ngành trung ương nỗ lực ứng phó với dịch cúm thì ở nhiều địa phương, cán bộ, người dân lại rất lơ là với dịch cúm, ngay cả ở những vùng đã xảy ra dịch và có người tử vong do cúm gia cầm.
Kết quả giám sát 147 chợ gia cầm tại 44 tỉnh thành cho thấy, tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 là trên 61%. Hiện cúm gia cầm chủng H7N9 chưa xuất hiện trong nước, nhưng dịch H5N1 đã xuất hiện tai 17 địa phương và được nhận định chưa phải là đỉnh điểm của dịch.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan rộng dịch cúm gia cầm H5N1 là rất cao bởi thời tiết đang trong giai đoạn bất lợi và bất thường, làm giảm sức đề kháng của gia cầm, trong khi việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát hoàn toàn và việc chăn nuôi thủy cầm tại biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp.
Tại ĐBSCL, hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm vẫn diễn ra… bình thường. Ngay trong nội ô TP Cần Thơ, nhiều chợ bán gia cầm, thủy cầm sống không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại. Ở các tỉnh như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… người dân vẫn vô tư tái đàn.
Hiện nay ở nhiều vùng nông thôn ĐBSCL, giá rao bán vịt con, vịt giống khắp vùng nông thôn chỉ 10.000 đồng/chục, nguồn gốc rất khó xác định. Loại vịt này thường đạt trọng lượng từ 1,5 - 1,8kg sau 2,5 tháng thả nuôi. ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, cũng là vụ chăn nuôi các đàn vịt chạy đồng không cách nào kiểm soát được.
Đáng lưu ý, gần đây tại Cần Thơ đã xuất hiện tình trạng gia cầm bị dịch cúm dù đã tiêm phòng đầy đủ. Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nguyên nhân gây ra dịch bệnh được xác định do sự biến đổi nhánh virus; người chăn nuôi chưa thực hiện các biện pháp đồng bộ như kết hợp tiêm phòng vaccine với chăn nuôi an toàn sinh học trong việc phòng bệnh trên gia cầm. Đồng thời, chưa kiểm soát hết các phương tiện vận chuyển gia cầm từ các địa phương khác vào Cần Thơ.
Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay không ít địa phương “ngại” công bố dịch vì sợ ảnh hưởng đến tình hình buôn bán, chăn nuôi gia cầm. Trong 17 tỉnh, thành có dịch cúm, mới chỉ có 5 tỉnh công bố dịch, trong đó 2 tỉnh có người chết lại không công bố. Nếu không công bố thì không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp và không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự hành vi vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch sang vùng khác.
Trên thực tế, chỉ khi dịch cúm gia cầm được công bố thì người chăn nuôi và các ngành mới cùng nhau hỗ trợ ngành thú y dập dịch. Còn đối với người chăn nuôi, mua bán gia cầm, khi có dịch thì dè dặt, giấu giếm rồi bán tháo. Do vậy, trước mắt, để đối phó với tình trạng “nội công H5N1, ngoại kích H7N9” của cúm gia cầm, giải pháp ưu tiên là phải nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới nhằm ngăn chặn virus có thể xâm nhập vào trong nước.
Các ngành chức năng và các địa phương cũng cần quyết liệt với dịch cúm đang xảy ra trên 17 tỉnh, thành, nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ gia cầm từ vùng có dịch; có biện pháp khẩn cấp hữu hiệu ngăn ngừa virus cúm lây lan, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, là yếu tố quyết định để mỗi người tự phòng chống cho chính bản thân và gia đình.
HÀM LUÔNG