Quyết tâm “vượt bão”

Năm 2013 đã khép lại với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực, mang đậm dấu ấn điều hành quyết liệt để ổn định vĩ mô. Bước vào năm 2014 với bao nhiêu khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác điều hành của Chính phủ, các cấp các ngành phải hết sức quyết tâm, tăng tốc ngay từ thời gian đầu để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Quyết tâm “vượt bão”

Năm 2013 đã khép lại với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tích cực, mang đậm dấu ấn điều hành quyết liệt để ổn định vĩ mô. Bước vào năm 2014 với bao nhiêu khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác điều hành của Chính phủ, các cấp các ngành phải hết sức quyết tâm, tăng tốc ngay từ thời gian đầu để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng giới thiệu các sản phẩm được bán lưu động với bà con huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh:Cao Thăng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng giới thiệu các sản phẩm được bán lưu động với bà con huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh:Cao Thăng

Quyết liệt đạt kế hoạch

Được đánh giá là năm có rất nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội trong năm 2013 rất đáng khích lệ. Trong đó, nổi bật kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Cụ thể, chỉ số lạm phát năm 2013 là 6,04% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua; tăng trưởng đạt 5,42% (năm 2012 là 5,23%). Cùng với đó có nhiều điểm sáng về mặt vĩ mô như tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, mặt bằng lãi suất VND giảm đáng kể. So với đầu năm, lãi suất huy động giảm 2% - 3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3% - 5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Chúng ta cũng đã quản lý tốt thị trường vàng. Xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán tổng thể bội thu hơn 22 tỷ USD...

Có thể khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2013 đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi phát triển của nền kinh tế; khó khăn trong sản xuất kinh doanh được tập trung tháo gỡ, nợ xấu từng bước được xử lý; an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện... Để có được kết quả này là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra. Thể hiện rõ nhất thông qua việc triển khai các giải pháp để kiềm chế lạm phát, kiểm soát đầu tư công, quản lý thị trường vàng, cũng như thực hiện các nhiệm vụ về giảm tai nạn giao thông, rà soát quy hoạch thủy điện, đổi mới căn bản - toàn diện giáo dục đào tạo... Một điểm nhấn khác cần được ghi nhận là quyết tâm thu ngân sách. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, cùng với việc triển khai các biện pháp hoãn, giãn, giảm một số khoản thuế, phí, đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013. Khi kết thúc quý 3, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và trình ra Quốc hội số thu năm 2013 hụt khoảng 25.200 tỷ đồng; nếu loại trừ các khoản ghi thu - ghi chi ngoài dự toán (38.430 tỷ đồng), thì hụt 63.630 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán (loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán), tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Tăng tốc ngay từ những ngày đầu năm

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2014 sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại, trong khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn; nợ xấu chậm được xử lý vẫn còn ở mức cao. Thị trường chứng khoán và bất động sản chưa có nhiều cải thiện... Vì vậy, bước sang năm 2014, nhiệm vụ hết sức nặng nề, để thực hiện nhiệm vụ của năm đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành phải quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm, tháng đầu năm. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm mới với các địa phương vừa tổ chức cuối tháng 12-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện từ đầu năm. Triển khai toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là cơ bản, vừa trước mắt vừa lâu dài, vì không có ổn định vĩ mô thì khó phát triển bền vững. Kiểm soát lạm phát năm 2014 được Chính phủ xác định theo mục tiêu đã định, khoảng từ 6,5% - 7%. Đây là mục tiêu khó vì năm 2014 Quốc hội đã cho phép tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, tăng trưởng tín dụng 12% - 14%, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2014 cũng là năm tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó giải quyết nợ xấu, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính… để đạt tăng trưởng 5,8% năm 2014, tạo đà cho 2015 đạt 6,6%.

Nhiệm vụ năm 2014 đã rất rõ ràng, vấn đề là xác định được trọng tâm của năm 2014, trong đó cần đột phá ở khâu nào. Điều mà các bộ ngành, địa phương cần nhất là đột phá về thể chế để các địa phương, bộ ngành có thể chủ động, sáng tạo trong thực thi các giải pháp. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực thi Hiến pháp sửa đổi, vì vậy một trong nhiệm vụ quan trọng là ban hành các luật để thực hiện Hiến pháp phải hết sức thiết thực. Cùng với đó thực hiện Luật Đất đai sửa đổi, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương phải hết sức khẩn trương. Mặt khác, một trong yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng đưa ra đối với các bộ ngành, địa phương.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục