Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả ở ĐBSCL

Ngày 15-11, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời và các ngành liên quan tổ chức lễ ra mắt “Bệnh viện Cây ăn quả”, đặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả ở ĐBSCL ảnh 1 Ra mắt hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả vào sáng 15-11, tại Tiền Giang 

Theo đó, hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả có đội ngũ khoảng 57 bác sĩ cây trồng, bao gồm các chuyên gia của SOFRI và lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời.

Bệnh viện Cây ăn quả thực hiện nhiều hoạt động chuyển giao kiến thức canh tác, dinh dưỡng, tư vấn kịp thời cho nhà vườn về cách phòng trị sâu bệnh trên cây ăn quả. Thiết lập kênh tiếp nhận và phản hồi thông tin về dịch bệnh trên cây ăn quả với nông dân; đặc biệt là triển khai ứng dụng trên điện thoại di động nhằm cung cấp kịp thời cho nông dân những thông tin hữu ích về các giống cây thông dụng, tình hình dịch bệnh, việc sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả…

Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả ở ĐBSCL ảnh 2 Nhiều nông dân ĐBSCL xem trình diễn phun thuốc bằng thiết bị không người lái 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng SOFRI, kiêm Giám đốc hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả, cho biết: “Trước đây, SOFRI có Bệnh viện cây trồng để tư vấn kỹ thuật miễn phí cho nông dân ĐBSCL. Nay, SOFRI phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời ra mắt hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả, nhằm tận dụng thế mạnh của từng đơn vị, để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các nông dân ĐBSCL thực hiện tốt quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả; hướng tới phát triển cây ăn quả an toàn, sạch bệnh, chất lượng cao. Trước mắt, bệnh viện tập trung trên một số chủng loại cây thế mạnh ở vùng ĐBSCL; sau đó sẽ mở rộng ra nhiều đối tượng cây trồng khác nhau và triển khai rộng đến các tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên...”.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, bộc bạch: “Hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả nhằm cung cấp các dịch vụ nông nghiệp tốt nhất, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận trong canh tác cây ăn quả. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và triển khai giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến đến nhiều nông dân ứng dụng, nhằm hiện thực ước vọng nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của nông dân, góp phần xây dựng những vùng nông thôn đáng sống”.

Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả ở ĐBSCL ảnh 3 Nông dân xem thiết bị phun thuốc không người lái

Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đánh giá cao sự hợp tác của 2 đơn vị trong việc phát triển hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả. Vấn đề này rất có ý nghĩa vì góp phần trang bị kiến thức về cây ăn quả cho nhiều nông dân; đồng thời giúp bà con điều trị bệnh trên cây ăn quả một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng cây ăn trái, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu rau quả ngày càng cao.

Cũng theo ông Thiệt, mấy năm qua xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, thị trường liên tục được mở rộng. Ngoài ra, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì Bộ NN-PTNT chủ trương mở rộng diện tích cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và tăng cường xuất khẩu. Do đó, với sự ra đời hệ thống Bệnh viện Cây ăn quả là rất cấp thiết…

Ra mắt Bệnh viện Cây ăn quả ở ĐBSCL ảnh 4 Bệnh viện Cây ăn quả hướng dẫn nông dân ứng dụng những thông tin về cây trồng, để theo dõi trên điện thoại di động 
Cũng trong lễ ra mắt, các ngành chức năng đã tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ cây ăn quả bằng thiết bị bay không người lái (drone); giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao vào canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất.        

Tin cùng chuyên mục