Ra mắt chùm sách nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Sáng 16-6, NXB Trẻ đã giới thiệu ra mắt bạn đọc loạt sách chào mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Loạt sách gồm 5 cuốn trong đó chỉ có 1 cuốn là sách dịch - tác phẩm Ở lưng chừng tương lai. Bốn cuốn sách còn lại của các tác giả trong nước và tất cả đều là nhà báo.
Ra mắt chùm sách nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(SGGPO).- Sáng 16-6, NXB Trẻ đã giới thiệu ra mắt bạn đọc loạt sách chào mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Loạt sách gồm 5 cuốn trong đó chỉ có 1 cuốn là sách dịch - tác phẩm Ở lưng chừng tương lai. Bốn cuốn sách còn lại của các tác giả trong nước và tất cả đều là nhà báo.

Có một điểm đáng chú ý là so với mọi năm thì số lượng đầu sách về nhà báo nhân ngày 21-6 năm nay không nhiều. Ngay cả con số 5 tác phẩm thì có 1 không hẳn là viết về báo chí. Thế nhưng, dù số lượng không nhiều nhưng về nội dung các tác phẩm lần này lại có sự đa dạng về thể hiện, sâu sắc về nội dung mang tính vượt trội. Có thể chia các tác phẩm ra thành hai dạng, dạng viết về chuyên môn nghiệp vụ trong công việc báo chí và dạng viết về bản thân người làm báo.

Chùm sách NXB Trẻ ra mắt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Về chuyên môn có 2 tác phẩm là Ở lưng chừng tương lai của nhà báo Mỹ Tom Plate và Nhanh, Đúng, Trúng, Hay của nhà báo Hải Đường.

Tom Plate là một nhà báo nổi tiếng của Mỹ chuyên viết mảng xã luận và các mối quan hệ của Mỹ với các nước vành đai Thái Bình Dương. Trong tác phẩm xuất bản ở Việt Nam lần này là tuyển tập 100 bài báo của ông về các vấn đề châu Á, từ chính trị, kinh tế đến xã hội, văn hóa…

Tác phẩm vừa có thể xem là cuốn biên niên sử về tình hình châu Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, vừa là một tài liệu hấp dẫn cho những ai muốn dấn thân vào lĩnh vực viết báo ở mảng đề tài kinh tế xã hội.

Cũng giống Tom Plate, tác phẩm của nhà báo Hải Đường, nguyên ủy viên Ban biên tập Báo Nhân Dân, cũng là tuyển tập các bài báo, bài viết của tác giả xoay quanh ba chủ đề chính là tình hình thực tiễn báo chí hiện nay, công việc chuyên môn của nhà báo và cuối cùng là các kinh nghiệm viết báo. Được viết bởi một nhà báo làm việc trực tiếp, đã có thời gian tham gia giảng dạy báo chí nên tác phẩm tuy không dài nhưng chứa đựng nhiều thông tin quan trọng cho những ai đang bước vào nghề báo.

Ở hai tác phẩm viết về người làm báo thì Thông tin đa chiều của nhà báo Trần Văn Tuấn được đánh giá là “dành riêng cho nhà báo”. Bối cảnh của tác phẩm là một tòa soạn báo lớn trong giai đoạn vừa bước qua bao cấp, đang tiến vào kinh tế thị trường.

Tác giả đã kết hợp kiến thức nghề nghiệp (nguyên Phó Tổng biên tập Báo SGGP) cùng năng lực viết văn (giải thưởng Nhà nước và giải thưởng văn học ASEAN) để tạo một xã hội thu nhỏ về người làm báo với đủ những hỉ, nộ, ái, ố, những khó khăn công việc, những mâu thuẫn người với người, những đam mê, tham vọng… Tất cả hiện lên chân thật, gần gũi không hào nhoáng, tô vẽ về nghề nghiệp báo chí và con người làm báo.

Tuy có thể xem là một dạng kinh nghiệm chuyên môn nhưng tác phẩm Báo chí lương tâm của nhà báo Đỗ Đình Tấn (nguyên Phó Tổng thư ký tòa soạn kiêm Trưởng ban Quốc tế Báo Tuổi Trẻ) vẫn được xếp vào dạng viết về người làm báo. Cuốn sách đã đề cập thẳng đến những vấn đề thời sự nhất hiện nay của người làm báo khi phải đứng giữa áp lực thông tin và lương tâm cá nhân. Đã có nhiều nhà báo không vượt qua nổi gánh nặng tâm lý khi đối diện với những nghịch cảnh, có người chai sạn, có người bỏ nghề, thậm chí có người tự chấm dứt cuộc đời mình vì áp lực…

Khác với các tác phẩm khác còn có đoạn kết, Báo chí lương tâm chỉ nêu ra vấn đề nhưng không có lời giải bởi lời giải thực tế thuộc về mỗi cá nhân. Tác phẩm cũng góp phần khắc họa sự giằng xé, gian nan về trách nhiệm của nhà báo trong đời sống thông tin hiện nay, để những ai không trong nghề báo có thể hiểu được áp lực mà nhà báo phải chịu đựng hay với những ai đang bước vào nghề báo thì tác phẩm là lời cảnh báo trước những khó khăn của một nghề nghiệp đặc thù.

Cuốn sách thứ 5 thực tế không hẳn viết về nghề báo hay người làm báo, với nhan đề Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, đây là tác phẩm nối tiếp chuỗi tác phẩm hồi ức của nhà báo Lê Văn Nghĩa. Toàn bộ cuốn sách có gần 40 bài viết trong đó viết về báo chí chỉ vỏn vẹn 4 bài! Thế nhưng, chỉ 4 bài viết đã góp phần phản ánh một cuộc sống báo chí những ngày trước đây, từ báo chí ngày đầu còn đơn sơ đến những thay đổi mạnh mẽ về sau. Với vai trò là người trong cuộc, tác giả đã khắc họa lại hình ảnh báo chí từ ngày xưa đến giai đoạn đầu phát triển những năm 80 của thế kỷ trước, giai đoạn đầy khó khăn nhưng cũng là mở đầu cho nền báo chí hiện đại của Việt Nam ngày nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục