Người khen kẻ chê
Sau khi triển khai mô hình này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì đa số giáo viên “than” gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của học sinh.
Thực tế vừa qua, sau thời gian triển khai, nhiều địa phương đã quyết định dừng triển khai VNEN. Mới đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh đã dừng triển khai mô hình này ở bậc THCS, trở lại học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học mới 2017-2018. Đối với bậc tiểu học, Hà Tĩnh cũng không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Trước đó, mô hình VNEN được Hà Tĩnh triển khai ở một số cấp học từ năm học 2012-2013. Sau đó nhiều trường nhận thấy mô hình có bất cập nên đề xuất bỏ và VNEN được chấp thuận. Tháng 7-2016, tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo dừng triển khai đại trà mô hình VNEN, chỉ tiếp tục triển khai ở những lớp, trường đã thí điểm trong các năm học trước; đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các cá nhân trong công tác tham mưu, triển khai đại trà mô hình này.
Còn tại Hải Phòng, mô hình trường học VNEN được triển khai từ năm học 2012-2013. Qua hơn 4 năm học, có 12/15 quận, huyện áp dụng ở cấp tiểu học và THCS với hơn 150 trường tham gia. Nhưng mới đây, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cũng được lãnh đạo TP yêu cầu khẩn trương báo cáo trước năm học mới 2017-2018 để quyết định lựa chọn việc dừng hay tiếp tục triển khai chương trình. Tại Hà Giang, năm học 2015-2016 đã triển khai chương trình VNEN đồng loạt tại 11/11 trường tiểu học và 7/9 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trước sự phản đối của phụ huynh, tháng 7-2016, UBND tỉnh Hà Giang có quyết định dừng thực hiện VNEN để quay về mô hình truyền thống.
Tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết mô hình VNEN đã đem lại một số kết quả khả quan như: học sinh có hứng thú, kết quả đánh giá chất lượng học khá ổn… Hiện nay, Hà Nội có 114 trường tiểu học đã triển khai toàn phần VNEN. Ngoài ra, còn có hàng trăm trường tiểu học vẫn áp dụng từng phần của VNEN theo điều kiện thực tế.
Ngoài tiểu học, Hà Nội cũng có khoảng 10 trường THCS tham gia thử nghiệm mô hình VNEN mới từ các năm học trước. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến của dư luận, từ năm học 2017-2018, Hà Nội không triển khai đại trà VNEN. Theo quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội, do vẫn đang trong quá trình thí điểm mô hình nên không triển khai ồ ạt mà cần có những bước đi thận trọng. Những trường đang thí điểm vẫn tiếp tục áp dụng mô hình này nhưng sở yêu cầu hiệu trưởng tham gia quản lý chuyên môn để nâng cao chất lượng giờ dạy, làm tốt vấn đề tâm lý cho giáo viên và phụ huynh. Đáng chú ý, trước thềm năm học mới này, ở Hà Nội không có trường học nào đăng ký áp dụng VNEN.
Sự đồng thuận chưa cao
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến năm học 2016-2017, số lượng tham gia nhân rộng mô hình VNEN trên cả nước là 4.441 trường tiểu học và 1.180 trường THCS. Số học sinh tiểu học tham gia VNEN xấp xỉ 15%; học sinh cấp THCS tham gia xấp xỉ 10%.
Bước vào năm học 2017- 2018, số lượng đăng ký triển khai mô hình VNEN ở bậc tiểu học tăng lên 4.800 trường tại 58 tỉnh, thành với tỷ lệ 18% học sinh tham gia; cấp THCS có 1.500 trường ở 51 tỉnh, thành tham gia với tỷ lệ học sinh 13%. Như vậy có thể thấy, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, số lượng trường học đăng ký tham gia vẫn có chiều hướng tăng lên.
Mô hình VNEN xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) thực hiện tại Colombia. EN được các tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế, từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công đáng kể và nhanh chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Từ năm học 2011-2012 đến cuối năm 2016, Bộ GD-ĐT được sự tài trợ của Tổ chức Quỹ hỗ trợ giáo dục toàn cầu (GPE), ủy thác qua Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu, thí điểm và triển khai dự án VNEN tại Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “VNEN đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản GD-ĐT. Tôi cho rằng, những nơi nào thực hiện tốt mô hình VNEN, sẽ triển khai tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới”. Báo cáo tổng kết của Bộ GD-ĐT, có tham khảo kết quả đánh giá độc lập của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI), cũng khẳng định, VNEN đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu Nghị quyết 29; thể hiện ở chất lượng các môn học của học sinh tốt hơn do giảm tỷ lệ điểm số thấp, tăng tỷ lệ điểm trung bình; học sinh phát triển hơn các kỹ năng cần thiết của công dân thế kỷ 21 như làm việc nhóm, lãnh đạo, giao tiếp, tự học, tự chủ…
Tuy vậy, mới đây nhất, ngày 10-8, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3459 gửi các sở GD-ĐT trong cả nước yêu cầu rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện VNEN. Bộ GD-ĐT cho rằng, triển khai VNEN, nhiều địa phương, nhà trường đã tổ chức tốt phương thức dạy học, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm (mô hình trường học mới). “Các trường chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, nên đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phương thức dạy học mới linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, một số trường còn nhận thức chưa đúng về mô hình trường học mới (coi mô hình trường học mới là chương trình giáo dục mới); chưa chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, tài liệu dạy học, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học... nên triển khai thực hiện máy móc, rập khuôn. Việc tổ chức hoạt động học của học sinh còn hình thức, chưa hiệu quả. Một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn. Điều này khiến mô hình VNEN chưa tạo được sự đồng thuận trong nhiều phụ huynh, gây bức xúc trong xã hội”, Bộ GD-ĐT thừa nhận.
Do vậy, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá tình hình triển khai VNEN. Việc đánh giá, rà soát cần căn cứ vào các điều kiện thực hiện để triển khai VNEN, cả về giáo viên và cán bộ quản lý; về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học (phải bảo đảm sỉ số lớp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; lớp THCS không quá 45 học sinh). Bộ GD-ĐT nêu rõ, qua rà soát, nếu trường nào đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện; trường chưa đủ điều kiện thì không áp dụng hoàn toàn mô hình VNEN mà trước mắt chỉ lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương pháp giáo dục đang thực hiện.