Rà soát kỹ thuật lọc máu, thận nhân tạo tại các cơ sở y tế

Theo đó, đơn vị y tế thực hiện lọc máu, thận nhân tạo cho người bệnh theo đúng chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành, đã được thẩm định và phê duyệt bởi cấp thẩm quyền. 
Một bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri phương
Một bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri phương

Sau sự cố tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ làm 7 người tử vong, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi các BV trên địa bàn yêu cầu tăng cường hoạt động chất lượng trong việc thực hiện kỹ thuật lọc máu, thận nhân tạo tại các cơ sở y tế nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế tối đa các sự cố, tai biến.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, sở đã yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện lọc máu, thận nhân tạo cho người bệnh điều trị các bệnh thận - tiết niệu theo đúng chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành, hoặc phác đồ điều trị đã được thẩm định và phê duyệt bởi cấp thẩm quyền. Trước khi tiến hành lọc thận cần kiểm tra kỹ tình trạng lâm sàng và cận lâm sàng của người bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trước, trong và sau khi lọc máu, thận nhân tạo. Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn nguồn nước sử dụng cho máy thận nhân tạo, xử lý dụng cụ y tế trong lọc máu, đối với quả thận, dây lọc tái sử dụng phải được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đảm bảo hiệu quả khử khuẩn; nhân lực thực hiện kỹ thuật lọc máu, thận nhân tạo cũng phải được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. 

Cùng với đó, việc đảm bảo thông số trên máy cũng phải phù hợp với dịch lọc và được kiểm tra thường xuyên tình trạng dịch lọc trước khi sử dụng cho người bệnh, nếu phát hiện bất thường như cặn lắng, đục, sắc…thì ngưng sử dụng ngay. Sở cũng yêu cầu các đơn vị phải kiểm tra định kỳ hệ thống xử lý nước, chất lượng nước (RO) về mặt vi sinh, hóa lý…

Đến nay, hầu hết các BV có đơn vị lọc thận, chạy thận nhân tạo trên địa bàn TP cũng đã khẩn trương rà soát lại quy trình, kỹ thuật đang thực hiện. Tại BV quận Thủ Đức, BS Lương Hoàng Liêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, đơn vị đã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình và hiện đang chạy thận cho 130 bệnh nhân tại BV với 4 ca mỗi ngày. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm chạy thận nhân tạo ở trạm y tế phường Bình Chiểu với 10 bệnh nhân. Nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, 5 ngày trước, BV đã tạm ngừng lọc thận tại phòng khám đa khoa vệ tinh phường Bình Chiểu để sửa sang lại phòng ốc, vách ngăn. Toàn bộ 10 bệnh nhân đang chạy thận tại đây được chuyển về lọc thận tại BV Quận Thủ Đức.

Còn BS Phạm Hữu Quốc, Giám đốc BV Đa khoa quận Gò Vấp - đơn vị mới đưa chạy thận nhân tạo vào hoạt động từ đầu năm 2017 đến nay cho hay, hiện BV đang điều trị cho 50 bệnh nhân lọc thận tại đây và mỗi ngày BV đều kiểm soát kỹ quy trình chạy thận nhân tạo.

Theo các BS chuyên khoa thận - tiết niệu, sốc phản vệ ở bệnh nhân chạy thận có thể xảy ra nhưng với tỷ lệ không cao. Điều quan trọng là phải phát hiện và xử lý cấp cứu kịp thời. Thực tế, trước sự cố tại Hòa Bình đã từng có bệnh nhân ngưng tim trong quá trình chạy thận. Tuy nhiên, bệnh nhân suy thận mạn thường đi kèm với các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… Do đó từ trước đến nay đa số bệnh nhân tử vong không phải do chạy thận mà do các bệnh nền kèm theo

Tin cùng chuyên mục