Vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng) không chỉ gây thiệt hại về người và kinh tế mà còn gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh du lịch, đặc biệt là du lịch đường thủy. Ngày 6-6, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung về vấn đề này.
Lực lượng chức năng trên tàu Thảo Vân 2 khi vừa được trục vớt để thu thập chứng cứ, tìm kiếm, củng cố Nguyên nhân vụ tai nạn. Ảnh: PHAN CHUNG
° Phóng viên: Với liên tiếp các vụ tai nạn du lịch đường thủy xảy ra, theo ông, đâu là nguyên nhân và Tổng cục Du lịch có đưa ra những biện pháp, cảnh báo gì đối với loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch này?
° Ông NGÔ HOÀI CHUNG: Du lịch đường thủy là lợi thế lớn của du lịch Việt Nam nhưng chúng ta chưa khai thác hiệu quả loại hình này do thiếu kinh nghiệm quản lý và thiếu sự quan tâm đúng mức, kịp thời.
Từ tháng 6-2012, Bộ VH-TT-DL và Bộ GTVT đã ban hành thông tư liên tịch quy định phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa, trong đó đưa ra các quy định về việc quản lý, tiêu chuẩn của thuyền trưởng, nhân viên điều hành phương tiện vận tải đường thủy cũng như nhân viên phục vụ trên tàu... Sau đó, tháng 3-2016, hai bộ cũng tiếp tục có thông tư liên tịch về việc cấp biển hiệu riêng cho phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch để du khách có thể phân biệt rõ loại hình dịch vụ đặc thù này. Tiếc thay, mặc dù thông tư có hiệu lực từ ngày 15-5-2016, nhưng thực tế đến nay chưa có địa phương nào tổ chức gắn biển mà mới chỉ dừng ở việc rà soát, thống kê, in ấn để chuẩn bị triển khai.
Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý du lịch địa phương đặc biệt rút kinh nghiệm từ những bài học đã xảy ra; tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, vận chuyển khách du lịch, đảm bảo an toàn tối đa cho khách. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu nếu có sự cố xảy ra.
° Bên cạnh những văn bản mang tính định hướng lâu dài như trên thì trước các mùa cao điểm về du lịch, Tổng cục Du lịch có đưa ra các cảnh báo, nhắc nhở gì cụ thể đối với những loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ này, thưa ông?
° Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi các địa phương đề nghị rà soát phương tiện chở khách du lịch nội địa theo hợp đồng hay kinh doanh loại hình khách lưu trú, hay khách tham quan. Đồng thời cũng thường xuyên yêu cầu bổ sung các yêu cầu về phương tiện cứu nạn, cứu hộ... để phục vụ khách đảm bảo an toàn; yêu cầu thanh tra sở VH-TT-DL rà soát theo đúng các quy định để có báo cáo về các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời... Du lịch là một ngành tổng hợp, cần có sự phối hợp của các đơn vị liên ngành thì mới tạo ra được sự thay đổi.
° Thế nhưng các tai nạn vẫn xảy ra. Theo ông, cần phải có biện pháp quyết liệt gì để cải thiện tình hình?
° Theo tôi cần nâng cao hơn nữa chỉ số an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù này; chế tài xử phạt với các phương tiện vi phạm cũng phải được nâng cao để xử lý nghiêm khắc hơn các vi phạm. Các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch cần đóng mới, chất lượng cao, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng hoán cải từ tàu đánh cá sang vận chuyển khách du lịch... Các điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch cần phải được rà soát thường xuyên.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ có trách nhiệm đôn đốc địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp tại các điểm đến du lịch cần tập trung giải pháp nâng cao chất lượng bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, đưa ra các sản phẩm mới có chất lượng cao để phục vụ và cải thiện hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, đồng thời phải cung cấp đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch an toàn, uy tín đến với du khách.
° Xin cảm ơn ông!
MAI AN (thực hiện)