Rà soát từng sản phẩm chủ lực để điều hành đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Ngày 1-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hóa chất và công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến sẽ ở mức 8% (đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn); ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016; ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%. Phương án nêu trên đã được rà soát, tính toán khá kỹ lưỡng từng ngành, từng nhóm sản phẩm và xác định ở ngưỡng cao, nhiều sản phẩm ở mức phấn đấu. Trong đó, ngành dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m³ khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP). Còn khả năng khai thác thêm than là khó khăn, do phụ thuộc vào thị trường. Đối với các khoáng sản khác, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục khẩn trương rà soát, tổng hợp khối lượng quặng tồn kho của các doanh nghiệp tại các địa phương có quặng để các doanh nghiệp sớm thực hiện được các đơn hàng xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đề xuất với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản có giá trị như: quặng titan, đá vôi trắng... để đóng góp tăng trưởng cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thông qua việc rà soát 24 mặt hàng/nhóm hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm cho thấy, có 12 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng tốt (tăng trên 8%); 3 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (từ 5% - 8%) và 9 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng ở mức thấp, giảm. Dự báo chỉ số IIP năm 2017 của nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12%, cao hơn mức của Bộ KH-ĐT đưa ra là 11,5%.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện. Cần tiếp tục tính toán chi tiết hơn nữa, đến từng sản phẩm chủ lực trong cơ cấu GDP và đề ra các chỉ tiêu của từng sản phẩm cụ thể theo từng quý và cả năm. Theo dõi sát việc triển khai thực hiện, từ đó chỉ rõ sản phẩm nào tăng trưởng không đạt, sản phẩm nào sẽ có thể bổ sung, cũng như kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tuy thị trường bất động sản đang phát triển khá ổn định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Ngành dầu khí đảm bảo khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%), đây là ngành sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao (đạt gần 50%), sử dụng nhiều lao động, đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới. Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thép, công nghiệp hóa chất, rượu bia, nước giải khát cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng cũng cần được ưu tiên hơn. Sớm tính toán chi tiết về thị trường, sản lượng, khả năng đóng góp cho tăng trưởng của sản phẩm bột nhôm.

Tin cùng chuyên mục