(SGGP).- Trong khi bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành thì ngày 21-8, ngành y tế một số địa phương cho rằng việc thanh toán BHYT cho thuốc đặc trị bệnh này cũng rắc rối, nơi thanh toán, nơi không. Đó là thuốc đặc trị Gamma Globulin trong trường hợp biến chứng nặng độ 2b trở lên.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp cho biết tiền mua thuốc không thiếu nhưng để thanh toán BHYT phải qua đấu thầu, do đó không có thuốc kịp thời. Hơn nữa quy định chỉ thanh toán 10 triệu đồng/ngày điều trị bằng thuốc Gamma Globulin nên không đủ cấp cứu. Do vậy, khi bệnh nhân bị tay chân miệng nặng là chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM.
Trong khi đó, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết bệnh viện quá tải bệnh tay chân miệng một phần do bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về (chiếm khoảng gần 60%) bệnh nặng, bệnh viện tỉnh chưa đủ chuyên môn điều trị và do các tỉnh đang vướng mắc về thuốc Gamma Globulin. Theo ông Thượng, giá thuốc Gamma Globulin khá cao nên chi phí điều trị cho một ca mắc bệnh tay chân miệng trung bình 35-40 triệu đồng.
Được biết, hiện Bộ Y tế đang bổ sung thuốc Gamma Globulin vào danh mục thanh toán BHYT và đề nghị Cục Quản lý dược giao các công ty dược trung ương nhập về theo nhu cầu điều trị và dự phòng tối thiểu.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tuần qua cả nước có hơn 2.200 ca mắc mới bệnh tay chân miệng tại 50 tỉnh thành, nâng số người mắc tay chân miệng cả nước từ đầu năm tới nay lên trên 35.000 ca tại 52 tỉnh thành, và đã có 83 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh thành.
Đánh giá của Bộ Y tế, hiện bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng chững lại, số ca mắc mới và tử vong đều giảm so với thời điểm tháng 6 và 7. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn yêu cầu các địa phương không được chủ quan, phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.
Qua giám sát dịch tễ, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết hiện nay virus gây bệnh tay chân miệng vẫn chưa thay đổi độc lực, chưa biến đổi gene, trong đó virus EV71 chiếm tới 70% số mắc bệnh tay chân miệng. Do đó, biện pháp quan trọng phòng chống bệnh tay chân miệng lây lan hiện nay là ngăn chặn các nguồn truyền nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, qua bàn tay và phân của bệnh nhân và người mang virus gây bệnh.
Tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 21-8 cho biết đã có thêm 11 ca mắc sốt rét trong tuần qua tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Ổ dịch này phát sinh từ ngày 4-7, đến nay có gần 50 ca mắc. Trong khi đó, tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ TPHCM cũng có 3 ca mắc sốt rét. Mặc dù ổ dịch sốt rét tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè bùng phát từ hơn 1 tháng nay nhưng các biện pháp phòng chống của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM chưa phát huy hiệu quả.
Tại hội nghị về phòng chống dịch bệnh diễn ra tại Viện Pasteur TPHCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã đề nghị khoanh vùng và nhanh chóng dập tắt ổ dịch sốt rét trên để không lây lan ra các quận huyện khác. Thế nhưng, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lấy lý do môi trường và sinh vật cảnh phức tạp biện minh cho việc chưa dập được ổ dịch.
T.LÂM - KH.NGUYỄN
- Thông tin liên quan:
>> Vẫn chưa công bố dịch tay chân miệng
>> Huy động tổng lực phòng chống dịch tay chân miệng