“Rác thải” bằng...vàng

Trong thời gian gần đây, làng thể thao Việt Nam rộ lên nhiều bức xúc xung quanh chế độ đãi ngộ đối với các tài năng thể thao, nhất là với những VĐV đoạt huy chương quốc tế. Chế độ đãi ngộ ở đây bao gồm việc chăm lo sự nghiệp sau thi đấu của VĐV cũng như hỗ trợ điều trị các chấn thương phát sinh trong quá trình làm nghĩa vụ quốc gia. Một số nhân vật cụ thể được nêu lên như Nguyễn Thị Nụ ở điền kinh, Nguyệt Ánh ở Karatedo… nhưng đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của sự bất cập đã kéo dài rất lâu trong làng thể thao Việt Nam. Nó khiến dư luận xã hội bức xúc phê phán ngành thể thao đã “vắt chanh bỏ vỏ”.

Một phần chìm lớn hơn mà dư luận chưa đề cập đến là lực lượng VĐV vẫn được gọi là “vàng… thải”. Đây là các VĐV đoạt huy chương SEA Games hay thậm chí là vô địch cấp châu lục ở một số môn chỉ tồn tại rất ngắn, chủ yếu tập trung cho mục tiêu giành thành tích tại SEA Games. Chúng ta đã từng thành lập những đội tuyển ở các môn như võ gậy, đá cầu rồi sắp đến còn lập đội võ Tajung Drajat (môn võ truyền thống của nước chủ nhà Indonesia) để thi đấu tại SEA Games 26.
Những môn theo kiểu “đánh quả” này đem lại khá nhiều huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng ngay sau SEA Games là giải tán và những nhà vô địch Đông Nam Á ở các môn đó đương nhiên nhận tiền thưởng xong rồi… giải nghệ hoặc chuyển sang chơi môn khác.

Vấn đề đặt ra ở đây là việc cố gắng tham gia đầy đủ các môn để đua tranh thành tích toàn đoàn, đã làm tăng kinh phí đầu tư trích từ ngân sách nhà nước. Ngoài chi phí tập luyện còn thêm tiền thưởng cho các VĐV đoạt huy chương. Theo thống kê, cứ mỗi kỳ SEA Games, Việt Nam có ít nhất 1/4 số môn tham gia không có tính phổ biến trong nước nhưng chi phí đầu tư như nhau, tiền thưởng cũng như nhau. Với cách làm dàn trải như vậy, đương nhiên ngân sách nhà nước dành cho thể thao sẽ bị phân mỏng và đánh đồng những giá trị vốn rất khác nhau ở từng môn thể thao khác nhau. Rõ ràng, một nhà vô địch ở môn điền kinh có cách biệt rất lớn so với HCV ở môn đá cầu.

Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện tiền thưởng ít hay nhiều bởi dù sao, để có được HCV môn nào thì VĐV cũng phải tập luyện và thi đấu hết sức mình. Nhưng nếu chúng ta đầu tư ít môn thi đấu hơn, tập trung cho những môn trọng điểm để nâng cao chất lượng của từng chiếc HCV thì rõ ràng, ngân sách nhà nước sẽ được dư ra, trên cơ sở đó có điều kiện đãi ngộ hợp lý với những VĐV tài năng thực thụ ở các môn được xã hội quan tâm, có tác động trực tiếp đến phong trào chung.

Việc đầu tư quá dàn trải, chạy theo số lượng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều nhà vô địch Đông Nam Á, châu Á, hay thậm chí thế giới đang trong tình trạng thất nghiệp, nghèo túng và học vấn thấp. Sự dàn trải ấy còn làm cho thể thao Việt Nam sa sút mạnh ở một số môn thể thao trọng điểm, phổ biến đồng thời gây nên những bức xúc trong xã hội theo kiểu “nhà vô địch SEA Games phải đi nhổ cỏ” hay “quán quân châu Á thiếu tiền chữa trị chấn thương”. Khi nền thể thao chưa chuyên nghiệp, ngân sách nhà nước có hạn mà cứ dàn trải như vậy, hậu quả càng thêm nặng nề. Đấy là chưa nói đến việc ngày càng ít người muốn theo đuổi con đường thể thao dài lâu.

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục