Rào chắn bảo vệ đất công gây khó cho người dân

Để bảo vệ diện tích đất công dôi dư sau khi triển khai dự án đường ở rạch Bùi Hữu Nghĩa, UBND phường 1, quận Bình Thạnh đã dùng khung sắt lưới B40 rào lại. Tuy nhiên, cách làm này vô tình gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân và làm mất mỹ quan đô thị.
Những khung rào bảo vệ đất công của UBND phường 1, quận Bình Thạnh
Những khung rào bảo vệ đất công của UBND phường 1, quận Bình Thạnh

Bỗng dưng bị rào lối đi

Ông Trương Minh Hạnh (số nhà 82/78/3 đường Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, mặt trước nhà ông tiếp giáp với con hẻm đường Lê Văn Duyệt và mặt sau tiếp giáp với rạch Bùi Hữu Nghĩa. Trước đây, con rạch này chưa bị ô nhiễm, ông mở thêm cửa phụ phía sau để lấy nước rạch sinh hoạt và thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Sau này, rạch Bùi Hữu Nghĩa bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối nên ông Hạnh phải đóng cửa phụ phía sau lại.

Năm 2019, rạch Bùi Hữu Nghĩa được Nhà nước đặt cống hộp rồi san lấp làm thành đường và năm 2020 con đường này được hoàn thành đưa vào sử dụng. Lúc này, ông Hạnh mở lại cửa sau đồng thời làm hướng đi chính ra đường mới khang trang. Thế nhưng, trưa 3-8, ông Hạnh ngạc nhiên vì phía trước cửa nhà bị UBND phường rào chắn bằng 2 lớp khung sắt lưới B40. Qua tìm hiểu nguyên nhân, ông Hạnh được biết lý do phường rào là để bảo vệ khoảnh đất dôi dư (diện tích khoảng 2m2) hình thành sau khi lấp rạch, nằm giữa đất nhà ông và đường mới. Bị chặn lối đi, ông Hạnh buộc phải quay lại đi theo hướng cũ chật hẹp là hẻm đường Lê Văn Duyệt.

Tương tự, nhà anh Ngô Đức Trung (số 49, đường Bùi Hữu Nghĩa) có mặt trước là đường Bùi Hữu Nghĩa và mặt sau tiếp giáp với rạch Bùi Hữu Nghĩa. Xây nhà, anh Trung mở hướng chính ra đường Bùi Hữu Nghĩa và mặt sau làm cửa thoát hiểm ra rạch. Khi rạch Bùi Hữu Nghĩa được san lấp làm thành con đường mới khang trang, thỉnh thoảng anh Trung mở cửa thoát hiểm phía sau để lấy ánh sáng và gió vào nhà. Thế nhưng, vì bị khung sắt lưới B40 rào chắn ngang (cũng với lý do là tiếp giáp giữa nhà anh Trung và tuyến đường mới có khoảng 2m2 đất công được hình thành sau khi lấp rạch), nên anh Trung rất lo lắng khi cửa thoát hiểm bị bít kín, nếu xảy ra hỏa hoạn thì rất khó để thoát ra ngoài.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo SGGP, hàng chục căn nhà khác nằm bên tuyến đường trên rạch Bùi Hữu Nghĩa cũng bị rào tương tự. Dưới chân hàng rào đã phát sinh nhiều ụ rác thải.

Rào để giữ đất công

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Viên Tịnh, Phó Chủ tịch UBND phường 1, quận Bình Thạnh, cho biết, do rạch Bùi Hữu Nghĩa bị ô nhiễm nặng nên phường có kiến nghị quận Bình Thạnh triển khai dự án đặt cống hộp và san lấp làm thành một tuyến đường mới nhằm xử lý ô nhiễm và mở thêm đường cho xe lưu thông trong khu vực được thuận tiện. Dự án hoàn thành năm 2020 và hiện chưa được nghiệm thu, bàn giao cho các đơn vị có thẩm quyền để quản lý. Trong quá trình triển khai dự án trên, có dôi dư một số diện tích đất tiếp giáp giữa nhà dân và tuyến đường mới, từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông. Đây là diện tích đất công có nguồn gốc từ việc lấp rạch và thuộc thẩm quyền quản lý của quận Bình Thạnh. 

Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, một số hộ dân đã tự ý mở cửa hướng ra đường mới, làm hướng đi chính, một số hộ dân còn để cây cảnh và sử dụng trái phép số diện tích đất công nói trên. Trước thực trạng này, UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo UBND phường 1 rà soát và có giải pháp quản lý. Sau khi kiểm tra, UBND phường 1 đã yêu cầu người dân dọn dẹp hết cây cảnh, dùng khung sắt lưới B40 rào lại. Vì đây là đất công, nên khi tiến hành rào, UBND phường 1 không họp và thông báo đến người dân.  

Ông Nguyễn Viên Tịnh cũng nhìn nhận, việc rào như trên có gây mất mỹ quan đô thị và gây khó khăn trong sinh hoạt cho người dân. “Sắp tới, UBND phường 1 sẽ tổ chức họp với các hộ dân có liên quan để thông báo hướng xử lý, tạo thuận lợi cho người dân”, ông Tịnh nói. Cụ thể, UBND phường 1 sẽ chỉ rào lại những diện tích lớn, còn những diện tích nhỏ khoảng vài mét vuông sẽ tháo rào và thay bằng các vạch sơn, nhưng yêu cầu người dân viết cam kết không được lấn chiếm và sử dụng trái phép. Về lâu dài, đối với diện tích đất công nhỏ, nếu người dân có nhu cầu sử dụng, phường sẽ đề xuất lên cấp trên để được giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục