(SGGP).- Hiện nay, trong tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được đảm bảo, vấn đề làm sao mua được rau sạch cho bữa ăn của gia đình đang là nỗi lo của không ít các bà nội trợ.
Những gia đình khá giả không ngần ngại mua các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap được bày bán ở các siêu thị hoặc cửa hàng rau sạch với niềm tin rằng ít nhất rau đã qua kiểm chứng. Còn lại phần đông các gia đình đều tiêu dùng rau ở các chợ nhỏ lẻ gần khu vực mình sinh sống.
Trên địa bàn TPHCM, nguồn cung cấp rau cho thành phố chủ yếu đến từ vườn rau ở các quận 9, 12, Thủ Đức và huyện Củ Chi. Thực ra để mua được rau “sạch” trong thời buổi vàng thau lẫn lộn như hiện nay là điều không dễ dàng. Một số bà nội trợ thường mua từ các cửa hàng quen và đặt niềm tin vào người bán. Tuy nhiên, sự thật sạch bẩn ra sao chỉ có người trồng rau và người bán mới biết.
Tôi làm việc tại một vườn rau ở quận Thủ Đức nên có cơ hội tiếp cận và nắm rõ quy trình trồng rau của các nông hộ. Nếu hộ nào có tâm thì sau khi phun thuốc 3 ngày họ mới thu hoạch rau để bán, còn không thì phun sáng hôm nay sáng hôm sau sẽ thu hoạch. Còn nếu rau dùng cho gia đình mình, họ thường đợi đến ngày thứ 5 hoặc ăn các loại rau ít dùng đến thuốc trừ sâu như dền, mùng tơi và muống. Ngay cả rau dành cho gia đình mình ăn, người trồng rau cũng không quan tâm đến thời gian cách ly, vì họ nghĩ đơn giản rằng thuốc trừ sâu nằm trên lá, nếu tưới nước vài lần sẽ tự hết.
Tôi đã tìm hiểu các loại thuốc được phun trên rau, gồm có thuốc diệt kiến, diệt cỏ và thuốc trừ sâu bệnh, thuốc giãn lá. Thông thường thời gian cách ly thuốc từ 7-15 ngày tùy từng loại thuốc, trong khi đó ít người biết rằng thời gian tính từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch là 17 ngày đối với các loại rau cải và 21 ngày đối với mồng tơi. Thuốc trừ sâu được phun theo đợt cách nhau 4-5 ngày/lần. Ngoài ra còn có loại thuốc dưỡng lá giúp rau có thể xanh non đến ngày thứ 40. Loại rau này thường được sử dụng trong các quán cơm bình dân cho công nhân và sinh viên, vì các chủ quán chuộng giá rẻ và không bị hao khi nấu nướng.
Một số người bán rau đánh vào tâm lý người tiêu dùng muốn ăn rau sạch, nên đôi lúc họ còn bắt sâu bỏ vào rau hoặc bán các loại rau có vài lá bị sâu. Ít ai ngờ rằng loại rau sâu ấy thực ra không phải sạch, mà là sâu đã lờn thuốc nên không thể cứu vãn được rau. Nguy hiểm hơn nữa là rau sam đất và dền cơm, trước đây, hai loại rau này thường mọc tự nhiên ngoài đồng và khá bổ dưỡng, hiện nay hai loại rau này mọc khá nhiều giữa các luống rau. Có không ít các bà cao tuổi thường đi nhặt nhạnh dền cơm và sam đất để bán vì ai cũng tin nó sạch. Tôi đã từng cảnh báo họ rằng luống rau này mới phun thuốc sáng nay nên đừng nhặt dền cơm nữa, nhưng họ trả lời rằng rau này đem bán chứ không ăn nên không lo.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng rau thuộc về Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng dường như họ chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ của mình, bởi các hộ nông dân cho biết họ chưa từng được ai đến lấy mẫu rau để đem đi kiểm tra nồng độ thuốc. Vì vậy, là những bà nội trợ thông minh, chúng ta nên tự bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình bằng cách tiêu dùng thông minh.
Nếu như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khuyên người dân nên bỏ trái cây vào bao bóng cột lại khoảng 5 phút rồi mở ra để ngửi xem có mùi thuốc sâu hoặc thuốc bảo quản hay không, thì đối với rau, mọi người nên để nơi khô ráo không cho tiếp xúc với nước, nếu sau 1-2 ngày rau chỉ bị héo thì là rau có thời gian cách ly xa, còn rau bị thối và bốc mùi khó chịu thì do rau có nồng độ thuốc trừ sâu và thuốc dưỡng cao, và không nên mua các loại rau to bất thường.
NGUYỄN OANH (Thủ Đức, TPHCM)