Mấy ngày gần đây, lượng rau tươi, trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc về TP có xu hướng tăng cao. Về hình thức, mẫu mã trái cây ngoại có sức hấp dẫn mạnh. Tuy nhiên, mức độ an toàn của các sản phẩm này tới đâu thì… chưa biết.
Nhập... vô tư
Theo thông tin từ một cán bộ hải quan cửa khẩu Sài Gòn, thời gian gần đây mặt hàng nông sản nhập khẩu tăng đột biến.
Tại Trung tâm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi đêm có hàng chục xe container rau tươi, trái cây nhập khẩu cập chợ. Lượng hàng đổ về mỗi đêm trên dưới 300 tấn. Phần nhiều các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, như: cải tròn, khoai tây, cà rốt, hành đỏ… Giá các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc “mềm” hoặc tương đương so với hàng nội địa, màu sắc, hình thức khá bắt mắt.
Hiện giá cà rốt Đà Lạt tại chợ đầu mối dao động từ 11.000-12.000/kg; khoai tây 25.000-28.000 đồng/kg (cao hơn từ 8.000-10.000 đồng/kg so với hàng Trung Quốc)… “Chính vẻ tươi ngon, căng tròn của rau củ, trái cây Trung Quốc đã hút người tiêu dùng. Thậm chí khi đi chợ, trông thấy những mặt hàng thế này tôi cũng rất thích” – một cán bộ nữ phụ trách chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chia sẻ.
Thống kê 5 tháng đầu năm so với 5 tháng cuối năm 2010 cho thấy lượng hành lá nhập khẩu tăng từ 947 tấn lên 8.350 tấn; cà rốt tăng từ 7.200 tấn lên 14.100 tấn…
Kiểm dịch qua loa
Các nhà khoa học khẳng định, đối với các biện pháp bảo quản trái cây thông thường, thời gian giữ trái cây tươi ngon không lâu. Chẳng hạn, với trái vải, nhãn dao động từ 3-4 ngày, mận 10 ngày, cam khoảng gần 1 tháng. Tuy nhiên, có một số loại trái cây nhập khẩu (bom, lê, táo…) có thời gian bảo quản trên dưới nửa năm.
Liệu người tiêu dùng có biết vì sao trái cây ngoại “tươi” lâu hơn? Câu trả lời chắc chắn là không.
Trong một đợt kiểm tra đột xuất đối với 9 mẫu rau củ, quả ngoại nhập ở nhiều chợ khác nhau, Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TPHCM phát hiện 7/9 mẫu (rau muống, khoai tây, đậu cô ve, cải ngọt, dưa leo, rau ngót, cà rốt của Trung Quốc) có chứa Methamidophos. Đây là chất được WTO xếp vào loại độc tính cấp 1 có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe con người và cấm dùng trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, các mặt hàng trái cây, rau củ quả ngoại nhập… vẫn được bày bán tràn lan tại khắp các chợ, nhưng chất lượng an toàn thực phẩm đến đâu không ai biết.
Thậm chí, trong một lần mua táo về bán, chị N.T, tiểu thương chợ Bình Tây phát hiện: “Cả sọt hàng 25kg nhập về trông tươi nguyên nhưng trái bên trong bị bủng đen. Sau đó người chủ hàng thú thực đã nhập từ một thương lái khác trước đó vài tháng, do hàng nhập mới trộn lẫn lô hàng cũ nên không phát hiện ra”.
Khi sản phẩm không đảm bảo an toàn, chính người tiêu dùng phải gánh hậu quả. Được biết, khâu kiểm dịch các mặt hàng rau, củ quả nhập vào Việt Nam còn thực hiện qua loa, chiếu lệ. Ngay cả chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một trong những trung tâm cung cấp nông sản cho toàn TPHCM cũng test mẫu thử nhanh được một số mặt hàng. Đối với việc phân tích, nghiên cứu chuyên sâu đành “bó tay”.
Điều này có thể thấy rằng, việc quản lý, phân phối các mặt hàng nhập khẩu rau, củ ngoại đang rối. Vậy ai sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ trực tiếp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng một khi các mặt hàng không an toàn tiếp tục bị thả nổi?
Ngay cả bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Trung tâm chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng khẳng định: “Việc lựa chọn các mặt hàng rau củ ngoại nhập là quyền của người tiêu dùng. Còn việc sản phẩm có tiềm ẩn nguy cơ gây hại hay không chúng tôi không thể trả lời được. Câu trả lời này dành cho các ban ngành chức năng, và những người có trách nhiệm”.
Thi Hồng