Rau xanh và nhiều mặt hàng tăng giá

Ngày 8-11, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, giá hàng hóa tại một số điểm bán hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã nhích lên so với cách nay vài tháng. Theo đó, giá các loại rau xanh, thịt cá… tăng từ 3.000-15.000 đồng/kg tùy loại so với trước đó.
Giá rau xanh đang tăng mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết. Ảnh: Cao Thăng
Giá rau xanh đang tăng mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết. Ảnh: Cao Thăng

Chẳng hạn, trên tuyến đường giao nhau giữa Dương Thị Mười với Trương Thị Hoa (quận 12), tiểu thương bán cà chua với giá 20.000-30.000 đồng/kg, tăng 5.000-7.000 đồng/kg; xà lách từ 50.000-55.000 đồng/kg, cải bó xôi 40.000-45.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg…

Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh rau quả, thực phẩm tươi sống các loại tại quận 12 cho biết, đã nhận được thông tin tăng giá hàng hóa từ các đầu mối cung cấp hàng từ cuối tháng 9-2021. Nguyên nhân tăng giá là do chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào… đều tăng so với nửa năm trước.

Giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM thừa nhận: “Sau nhiều lần thương thảo với nhà cung ứng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh tăng giá bán khoảng 70% tổng số mặt hàng. 30% còn lại, mặc dù các hợp đồng vẫn cam kết giá cũ đến hết năm 2021 nhưng không đảm bảo Tết Nguyên đán 2022 sẽ không tăng giá, bởi cuối tháng 12-2021 hàng loạt hợp đồng sẽ được ký lại”.

Tại Đà Lạt, sau thời gian chững lại vì tiêu thụ khó khăn, những ngày qua giá rau, hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng tăng mạnh. Cụ thể, súp lơ xanh giá 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; su su 6.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg… Tăng mạnh nhất là rau xà lách lolo xanh 35.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt 45.000 đồng/kg, tăng 23.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó một tuần.

Theo nhiều vựa rau tại Đà Lạt, rau tăng do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh; nhất là các điểm tập kết rau lớn tại TPHCM như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đã mở cửa trở lại, tiểu thương nhập rau đưa vào nội thành và các tỉnh miền Nam tăng khiến giá rau tăng. Hiện trung bình mỗi ngày vùng rau Lâm Đồng xuất ra thị trường hơn 5.000 tấn rau, củ các loại, trong đó phần lớn tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo Sở Công thương TPHCM, nguồn hàng về TPHCM dịp cuối năm khá đa dạng, nên người tiêu dùng không lo tình trạng thiếu hụt nguồn hàng. Hiện tại, mức giá bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… được một số đơn vị cam kết bình ổn giá. Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm dịp cận Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 cũng được kích hoạt, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.

Miền Bắc: giá rau xanh vẫn đắt

Trong khi giá thịt heo và gia cầm, thủy cầm vẫn ở mức rất thấp (mặc dù đã hồi phục hơn so với 2 tuần trước), thì giá các loại rau xanh trên thị trường Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc hiện vẫn cao bất thường.

Theo những nông dân tại các vùng chuyên canh rau xanh ở ngoại ô Hà Nội để cung ứng cho các chợ đầu mối ở nội thành như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Đông Anh…, thì nguyên nhân chính khiến giá rau vẫn đắt là do mưa kéo dài nhiều ngày trước, thời tiết khắc nghiệt, năm nay mưa nhiều hơn năm trước.

Cụ thể, giá bán một số loại rau ăn lá như cải ngồng là 15.000-17.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, rau muống 8.000-9.000 đồng/mớ, rau cải thảo 13.000 đồng/kg… Các loại rau gia vị lại có xu hướng tăng mạnh hoặc vẫn giữ ở mức cao, như hành lá 120.000 đồng/kg, rau mùi 150.000 đồng/kg, rau thì là 170.000 đồng/kg (tăng 5-6 lần so với trước).

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục