Chuyện kể: Có một người hái hoa, xui cho người đó có một con ong đang hút mật hoa. Nó liền chích ngay vào mũi người đó. Bị đau, tức quá, người đó đuổi theo con ong, đến ngay tổ ong. Người đó vác đá ném vào tổ, đàn ong túa ra tấn công khiến người đó phải nằm viện. Rõ ràng lúc bình thường, người lớn ai lại lấy đá ném tổ ong. Khi nóng giận, điên lên làm cái chuyện, ai nghe xong cũng muốn cười vào mũi.
“No mất ngon, giận mất khôn” là chuyện ai cũng biết, nhưng lúc đụng chuyện ít ai nén được cơn giận của mình. Ai chửi mình là chửi lại ngay, chưa biết đúng sai. Ai nói cạch khóe đến mình, thì đỏ mặt tía tai, bốp chát liền, bất chấp có khi bị họ gài bẫy. Chửi nhau là chuyện nhỏ, sau vụ lớn tiếng là đánh nhau, vác dao chém nhau lại là chuyện… mới kinh hoàng. Một cái nhìn, một lời nói qua lại cũng là nguyên nhân dẫn đến án mạng. Một người vào tù còn một người vào nhà xác. Chuyện nhan nhản có thể tìm thấy qua các tin tức an ninh trật tự. Lắm người than: Sao bây giờ, bọn trẻ hung dữ vậy?
Chuyện hai cô gái chửi nhau trên mạng rồi hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ “giải quyết” là một chuyện không còn nằm ở tầm cá nhân. Họ rủ theo các bạn khác quyết ăn thua đủ với nhau. May mắn, sự việc đã được các cơ quan chức năng ngăn chặn nên chuyện xấu đã không xảy ra. Cứ thử tưởng tượng, đánh nhau có người bị thương, kẻ mất mạng… hai cô gái này và nhiều người khác phải dính vào tù tội, chỉ vì phút nông nổi không kiềm chế.
Mọi việc đều sẽ trở nên tốt lành nếu mọi người biết nhẫn. Họ có chửi mình, nếu đúng thì mình nghe, rồi sửa chữa; nếu sai thì cứ xem họ đang chửi người khác, tỉnh bơ bỏ đi, không màng đến là cách ứng xử tốt nhất.
Đừng xem nhẫn nhịn là nhục. Nhẫn nhịn chứng tỏ mình cao hơn họ, biết cách giải quyết vấn đề cho tốt đẹp hơn. Trong nhà vợ chồng nhường nhịn nhau, gia đình sẽ không đổ vỡ. Anh em nhẫn nhịn nhau, gia đình thường êm ấm, cha mẹ vui lòng. Bạn bè nhẫn nhịn nhau, tình cảm khó phai mờ. Ngoài xã hội, mọi người biết giữ hòa khí, sẽ không đi đến xung đột, đánh nhau.
“Nhẫn một chút, sóng yên gió lặng/Lùi một bước, biển rộng trời cao”.
Câu thơ cũ nghe hoài, để nhớ, để cùng rèn luyện một chữ nhẫn.
Thiện Sơn