Robot gặp thời ở công trường

HẠNH CHI

Những ngày này, các công trường xây dựng ở Nhật đang trải qua một làn sóng tự động hóa trong bối cảnh thiếu hụt lao động ngày càng tăng. Khắp nơi, người ta chứng kiến sự tham gia của các lực lượng lao động robot chuyên đảm nhận các khâu nâng vác nặng nề và máy bay không người lái thực hiện các chuyến thu thập dữ liệu công trường từ trên cao...

Khi lực lượng lao động bước vào độ tuổi về già thì cũng là lúc các công ty xây dựng đối mặt với yêu cầu cấp bách là tăng năng suất và hiệu quả. Theo Liên đoàn Các nhà thầu Nhật Bản, trong năm tài chính 2015, công nhân xây dựng ít hơn 1,28 triệu người nếu so với năm tài chính 2014. Còn theo số liệu của Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch, trong năm 2015, có khoảng 30% trong số tổng lực lượng công nhân xây dựng trên 55 tuổi, trong khi những người dưới 29 tuổi chỉ chiếm khoảng 10%.

Ông Atsushi Fujino thuộc Công ty Xây dựng Kajima Corp cho biết : “Chúng tôi sẽ phải có tổng cộng 900.000 công nhân trong ngành xây dựng trong vòng 10 năm tới, nhưng việc thiếu hụt 300.000 lao động cần phải bù đắp bằng việc gia tăng năng suất. Đó là lý do tại sao chúng tôi đua nhau tìm giải pháp robot thay thế”.

Công ty Kajima đã bắt đầu sử dụng các xe đổ vật liệu, các xe cán nền, cán bê tông... không người lái sử dụng hệ thống GPS tại các công trường xây dựng, nơi chỉ một công nhân dùng máy tính bảng để điều khiển các máy móc, thiết bị và xe cộ trên. Rõ ràng, chỉ cần 1 người biết sử dụng máy tính bảng, là một chuỗi công việc có thể thực hiện được, thậm chí tốt hơn. Máy móc, không giống như con người, có thể vận hành và lặp lại nhiệm vụ một cách không mệt mỏi, dẫn đến năng suất cao hơn. Hiện Kajima đang sử dụng máy móc thử nghiệm tại công trường xây dựng tại một con đặp ở quận Oita.

Shimizu Corp., một công ty xây dựng khác, đã phát triển một “robot cánh tay” có thể nâng các thanh cốt thép. Thông thường để năng một thanh thép khoảng 200kg phải mất từ 6 đến 7 người, thì nay chỉ cần 3 người để điều khiển robot và di chuyển thanh đến vị trí mong muốn. Tomoaki Ogi, Giám đốc bộ phận kỹ thuật công trình dân dụng tại Shimizu, người tham gia phát triển “robot cánh tay” mà hiện các công trình xây dựng đang thuê rất nhiều, nhận định: “Đây là sự “hợp tác” giữa con người và robot”. Năm 2015, Công ty Xây dựng Shojigumi Inc. (quận Shizuoka) đã tung ra một mạng lưới kết nối các công ty xây dựng khắp đất nước mới mong muốn thử nghiệm các công nghệ mới tại các công trình và chia sẻ thông tin. 13 công ty đã tham gia mạng lưới và sử dụng những công nghệ mới nhất. Nhờ tự động hóa, năng suất của các công trình xây dựng tăng 5 - 10 lần. Các quản lý, giám sát không cần phải có mặt tại công trường ngày đêm như trước đây. Công việc được hoàn thành sớm hơn một nửa thời gian...

Theo Japan Today, Chính phủ Nhật Bản cũng đang xúc tiến khởi động chiến dịch mang tên “i-Construction” nhằm tự động hóa các công trình xây dựng. Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho các công trình công cộng đang có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác để tinh giản công việc. Đây là cơ hội cuối cùng đối với chính phủ để đầu tư và tiến hành các cải cách căn bản, ít nhất trong lĩnh vực xây dựng.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục