Rối chuyện tên đường

Một trong những điểm rối đầu tiên là nhiều tên đường có trùng lắp. Trên địa bàn quận 9 đoạn gần cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức (không phải cầu vượt Trạm 2), chỉ trong một đoạn ngắn người đi đường sẽ gặp rất nhiều “con đường” với những cái tên danh nhân vốn đã quá quen thuộc ở các quận trung tâm nội thành như đường Lê Lợi, đường Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung…

Trùng lắp tên đường chỉ mới là một mặt hạn chế, điều quan trọng hơn đó là những con đường ấy chỉ là đường phố trên danh nghĩa, còn trong thực tế nó lại có hình hài của một con hẻm nhỏ. Chẳng hạn đường Trần Khắc Chân thuộc phường 9, quận Phú Nhuận; đường Đồng Khởi, phường 4, quận Tân Bình; đường Nguyễn Văn Công ở phường 3, quận Gò Vấp… Lâu nay ở quận 1 đã có một con đường mang tên Trần Khắc Chân hoặc đường Đồng Khởi ở phía Nhà thờ Đức Bà quận 1. Còn “đường” Trần Khắc Chân ở phường 9, quận Phú Nhuận chỉ rộng không quá 2m mà đoạn trổ ra đường Hồ Văn Huê là một dẫn chứng. Tương tự, bề ngang “đường” Đồng Khởi, phường 4, quận Tân Bình đoạn trổ ra đường Cộng Hòa chỉ tầm 3m. Vấn đề khác nữa là hiện nay vẫn còn những con đường có tên do người dân tại chỗ hoặc do địa phương tự đặt chứ không phải được đặt bài bản, quy củ từ cơ quan chức năng quản lý cấp thành phố. Cho nên mới có những tên đường đậm chất “tự biên tự diễn” theo kiểu thấy sao kêu vậy. Chẳng hạn “Đường dưới chân cầu Sài Gòn” để chỉ tuyến đường nằm bên dưới cầu Sài Gòn, từ đường Quốc Hương đến Trần Não thuộc quận 2; “Đường vào Trung tâm thương mại Bình Điền” thuộc quận 8, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến sông Cần Giuộc; “Đường trục phường 13” để chỉ con đường mới mở tại phường 13, quận Bình Thạnh, đoạn từ đường Nơ Trang Long đến sông Vàm Thuật… Còn những tên đường bằng số cũng có khá nhiều, kiểu như: đường D1, đường D2, đường D5 tại phường 25, quận Bình Thạnh; đường 7A, đường 9A đi qua Bình Hưng huyện Bình Chánh; đường số 26 từ đường Nguyễn Văn Luông đến An Dương Vương thuộc quận 6…

Đếm ra cũng có hàng chục tuyến đường được “tự biên tự diễn” đặt tên như vậy! Trong khi đó có những tuyến đường chưa được xây dựng hoặc không thể tìm thấy ở địa phương nhưng không biết vì sao đã được đặt tên thật hoành tráng! Có thể nhắc tới những con đường như Bùi Chi Nhuận - quận 10, Đỗ Hành - quận 12, Rạch Dơi - quận 7, Tôn Quang Phiệt - quận Gò Vấp; Lê Hi, Vũ Đình Long, Lan Mê Linh - cả 3 đường này đều thuộc quận Tân Bình… Tất cả những con đường nêu trên đều thuộc diện “chưa đẻ đã có giấy khai sinh”. Người ta đếm ra có ít nhất 14 tuyến đường thuộc loại chưa hiện diện như thế dàn trải qua nhiều quận, huyện như: Gò Vấp, Tân Bình, quận 7, quận 12, Củ Chi…

Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông cũng là một điều cần được xem xét lại ở những “đường phố” này. Dường như vẫn thiếu một sự tổ chức giao thông tốt hơn, khoa học hơn cho những con đường - mà - hẻm ấy. Trường hợp đường Nguyễn Văn Công đoạn đi luồn ngang chợ Tân Sơn Nhất thuộc phường 3, quận Gò Vấp là một ví dụ. Toàn tuyến đường Nguyễn Văn Công vừa nhỏ hẹp, vừa uốn lượn quanh co và có một đoạn đi ngang qua chợ Tân Sơn Nhất vốn dĩ đông đúc, náo nhiệt, nhất là trong giờ cao điểm. Bề ngang đoạn đường Nguyễn Văn Công đi ngang chợ Tân Sơn Nhất này chỉ hơn 2m thế nhưng đủ thứ phương tiện, từ xe máy, taxi, xe hơi, xe tải nặng - nhẹ các loại vẫn được phép giao thông. Cho nên chuyện dở khóc dở cười cứ xảy ra thường xuyên trên cung đường này, nhất là khi xe cộ lưu thông ken cứng, nhích từng chút một chỉ vì một vài chiếc taxi hoặc ô tô cùng chạy vào.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục